
Việc ban hành Thông tư quản lý game online cũng như cấp phép cho game online trở lại sau 4 năm tạm ngừng đã và đang được nhiều doanh nghiệp làm game, cung cấp nội dung số lên tiếng và hiện Bộ TT-TT đang cân nhắc kỹ lưỡng.
Cần phải cấp phép trở lại
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, các doanh nghiệp (DN) làm game đang rất mong Bộ TT-TT tiếp tục cấp phép cho game hoạt động chính thức trở lại. Thực tế từ năm 2010, trước sự bức xúc của cộng đồng xã hội về mặt trái của các trò chơi trực tuyến (game online), Bộ TT-TT đã tạm ngừng cấp phép cho các trò chơi trực tuyến. Từ đó đến nay, theo khảo sát của Thanh tra Bộ TT-TT, “sờ” đến DN cung cấp game nào cũng đều có game lậu. “Việc ngừng cấp phép đã vô tình đẩy DN phải cung cấp game lậu. Hiện trạng này có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý” - ông Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Game online hút giới trẻ. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Qua trao đổi với báo chí cũng như nêu kiến nghị với Bộ TT-TT, cộng đồng DN làm game Việt Nam đang khẩn thiết mong Bộ TT-TT sớm triển khai hoạt động cấp phép để DN có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN đã nỗ lực tập hợp trí tuệ của lập trình viên để làm game nhưng sau đó không phát hành được vì không được cấp phép, nên có một số DN phát hành không phép để có nguồn thu bù đắp cho những chi phí đã đầu tư. Vô hình trung đã vi phạm pháp luật, vì theo quy định hiện hành, kinh doanh không phép nếu có doanh thu quá 300 triệu đồng thì có thể bị xử lý hình sự.
Hầu hết các ý kiến đều nhận định: quản lý nội dung game là một lĩnh vực rất phức tạp. Cần xem xét hài hòa hoạt động quản lý game để không cho phép phát hành game có nội dung xấu nhưng mặt khác cũng nên sớm cấp phép cho game có nội dung lành mạnh. Đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, game là một trong những lĩnh vực kinh tế đóng góp doanh thu lớn cho đất nước. DN game không phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ hạn chế sự phát triển của cả ngành công nghiệp công nghệ thông tin đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, cơ quan quản lý hạn chế mặt trái của game, nhưng mặt khác cũng vẫn phải phát huy tính tích cực của ngành kinh tế kỹ thuật có vai trò quan trọng này. Nếu cấm phát hành game nội thì người chơi vẫn có thể chơi các game ngoại, khi đó, nguồn tiền sẽ đổ từ Việt Nam ra nước ngoài. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son yêu cầu Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cần sớm có Thông tư để quy định về vấn đề cấp phép cho game.
Ngăn chặn game lậu
Hiện nay, dự thảo Thông tư của Bộ TT-TT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 72 ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng về trò chơi điện tử trên mạng đang được Bộ TT-TT tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện và dự kiến có thể ban hành ngay trong quý 2-2014. Theo đó, dự thảo thông tư đã cụ thể hóa tiêu chí phân loại trò chơi theo độ tuổi với những đặc điểm được thể hiện cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh có thể tác động đối với mỗi nhóm lứa tuổi. Đồng thời giao cho DN tự thực hiện phân loại, trường hợp Bộ TT-TT nhận thấy kết quả phân loại của DN không phù hợp với nội dung trò chơi và tiêu chí phân loại, bộ sẽ yêu cầu DN điều chỉnh lại việc phân loại. Nếu DN không chấp hành thì bộ yêu cầu dừng phát hành trò chơi. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tiêu chí phân loại người chơi của dự thảo thông tư giữa người 18 tuổi với người 12 tuổi không khác nhau mấy; dự thảo quy định giao cho các DN tự phân loại trò chơi nhưng chế tài quy định còn nhẹ khi phát hiện vi phạm chỉ yêu cầu dừng phát hành trò chơi, thì chế tài chưa chặt, có thể tạo kẽ hở trong việc phân loại trò chơi.
Một vấn đề khác cũng được các DN làm game tập trung cho ý kiến nhiều là sự phối hợp với cổng thanh toán trực tuyến và DN cho thuê đường truyền, đặt máy chủ để ngăn chặn game lậu. Thực tế gần đây hiện tượng game lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường mà chưa có giải pháp quản lý hiệu quả, gây bất bình đẳng giữa DN cung cấp game trong nước với DN cung cấp game nước ngoài. Phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều chảy vào túi các DN nước ngoài. Đáng chú ý, không chỉ có game lậu mà có thể một số dịch vụ bất hợp pháp khác cũng có thể lợi dụng kẽ hở này để âm thầm tồn tại và phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt các dịch vụ qua mạng.
Theo Bộ TT-TT, để hạn chế hiệu quả tình trạng này, cần có quy định điều chỉnh hoạt động của cổng thanh toán (nơi DN nước ngoài thu tiền từ người chơi trong nước) và DN cung cấp dịch vụ internet (các đơn vị cho thuê máy chủ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để DN nước ngoài phát hành game lậu ở Việt Nam). Đặc biệt, việc kiểm soát được các cổng thanh toán sẽ triệt tiêu được phần lớn nguồn thu của DN phát hành game lậu. Tuy nhiên, hiện các quy định liên quan đến cổng thanh toán vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng do tính khả thi chưa rõ ràng.
TRẦN LƯU