Gánh nặng suy thận mãn

Gần 6 triệu người dân đang bị bệnh suy thận (chiếm 6,73% dân số), trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối. 90% bệnh nhân suy thận mãn tử vong do không được điều trị. Việt Nam đang chịu gánh nặng rất lớn từ bệnh nhân suy thận...
Gánh nặng suy thận mãn

Gần 6 triệu người dân đang bị bệnh suy thận (chiếm 6,73% dân số), trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối. 90% bệnh nhân suy thận mãn tử vong do không được điều trị. Việt Nam đang chịu gánh nặng rất lớn từ bệnh nhân suy thận...

Quá tải

Sau gần 10 năm bị suy thận với nhiều triệu chứng như mất sức lao động, biến chứng hệ bài tiết và gần 3 năm phải chạy thận nhân tạo, lọc máu, bệnh nhân Bùi Hồng Nhan (TPHCM) vừa được các bác sĩ BV Nhân dân 115 ghép thận thành công. Đây là một trong số những trường hợp may mắn đã có người cho thận và các chỉ số cấy ghép đều nằm trong khả năng cho phép, đang được điều trị tại BV Nhân dân 115.

Phó Giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi, BV Bạch Mai - Hà Nội cho biết, qua điều tra cho thấy, Việt Nam đang có gần 80.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu. Tuy nhiên, mới chỉ 10% trong số đó được đáp ứng điều trị.

Theo BS Tạ Phương Dung, Trưởng khối Thận-Niệu BV Nhân dân 115, lượng bệnh nhân suy thận mãn thường xuyên đang điều trị trên 1.000 người. “Với gần 50 máy chạy thận nhân tạo (CTNT), phải chạy hết công suất 4-5 ca/ngày, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu điều trị. Mỗi ngày khoa đều tiếp nhận bệnh nhân mới và đang quá tải”, BS Dung cho biết.

Số bệnh nhân suy thận được khám, điều trị tại BV Chợ Rẫy TPHCM cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ khoa Tiết niệu của BV, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa CTNT và các cơ sở khác của BV liên tục phục vụ cho hơn 1.000 bệnh nhân bị suy thận nặng giai đoạn cuối. Chỉ có 46 máy CTNT, BV phải chia ra 4 ca để chạy, mỗi ca từ 3-4 tiếng đồng hồ. Tính ra, mỗi ngày BV Chợ Rẫy TPHCM phải CTNT trung bình hơn 200 bệnh nhân, chưa kể có tới 30-40 bệnh nhân suy thận phải cấp cứu/ngày.

Tại một số bệnh viện khác như An Sinh, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Đa khoa Củ Chi… lượng bệnh nhân suy thận mãn đến điều trị và CTNT cũng tăng lên nhiều trong những năm gần đây.

Theo số liệu thống kê, tổng số bệnh nhân suy thận đang CTNT của cả nước tính đến đầu năm 2010 đã trên 6.000 người. Trong đó TPHCM có hơn 2.000 bệnh nhân, chiếm 32%. Ngoài CTNT, số bệnh nhân còn lại được điều trị thẩm phân phúc mạc (đặt ống dẫn màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) của cả nước cũng mới chỉ hơn 1.000 bệnh nhân. Còn số bệnh nhân được ghép thận càng ít ỏi hơn do chi phí cao, nguồn thận cho hiếm hoi.

Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Tg. Lâm

Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Tg. Lâm

Cần thận hiến từ người chết não

Mắc bệnh suy thận mãn từ 5 năm nay, cuộc đời còn lại của chị H.T.C. (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân - TPHCM) đã coi BV Nhân dân 115 như “nhà” của mình. Đều đặn 3 lần/tuần, chị C. phải đến BV để được CTNT. Bỏ ăn bỏ làm, sức khỏe suy giảm, những gì dành dụm được chị đã bán sạch, kể cả ngôi nhà, để có tiền chạy chữa, bồi bổ sức khỏe. “Mặc dù được Bảo hiểm y tế chi trả cho một phần nhưng bệnh tình thế này chi tiêu mấy cho đủ”, chị C. tâm sự.

Theo BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, từ khi có Luật BHYT mới thì gánh nặng đồng chi trả đối với bệnh nhân CTNT càng lớn. Bình quân chi phí cho một bệnh nhân CTNT lên tới 100 triệu đồng/năm. “Tuy nhiên, mới đây UBND TP đã quyết định hỗ trợ 15% cho bệnh nhân CTNT, như vậy cũng đỡ khổ”, BS Nghiệm cho biết.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, suy thận mãn đang có chiều hướng gia tăng, và đây là căn bệnh hiểm nghèo, việc điều trị rất tốn kém. Do đó, phòng ngừa vẫn là biện pháp căn cơ, nhất là phát hiện sớm để điều trị, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo TS-BS Nguyễn Thế Thành, Khoa Tiết niệu BV Nhân dân Gia Định, đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận mãn giai đoạn cuối. Trong đó cao huyết áp, tiểu đường là những bệnh lý dễ dẫn đến suy thận.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn, khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, một trong những biện pháp hữu hiệu là ghép thận hiện vẫn chưa được phổ biến, do nguồn thận ghép không có. Một số người có nhu cầu ghép thận thường ra nước ngoài ghép với chi phí rất cao. Hiện nay Việt Nam đã có Luật Hiến tạng được nhiều bệnh nhân ủng hộ. Gần đây, một số BV tại Hà Nội đã tiếp nhận nhiều trường hợp hiến tạng, trong đó có cả thận, để ghép cho những người suy thận giai đoạn cuối.

Theo BS Tạ Phương Dung, trước đây kỹ thuật ghép thận còn khó khăn, Việt Nam cần hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài trong mỗi ca ghép, nhưng hiện nay nhiều BV đã tự ghép được. Cụ thể là đội ngũ y bác sĩ trẻ của BV Nhân dân 115 TPHCM đã tự ghép thận thành công cho bệnh nhân.

“Điều đó thể hiện tay nghề chuyên môn đã nâng cao. Tuy nhiên, vướng mắc vẫn là nguồn thận còn hiếm hoi”, BS Dung nói. Chính vì vậy, sắp tới BV Nhân dân 115 sẽ triển khai xây dựng trung tâm ghép tạng từ người chết não, với hy vọng được nhận nhiều hơn những trường hợp chết não hiến tạng, trong đó có thận. 

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục