Gạo Việt vào thị trường khó tính

Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, gạo Việt đang từng bước vươn ra thế giới, xuất hiện ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu…

Năm 2021, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã sản xuất được trên 43,86 triệu tấn lúa, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020. Với sản lượng này, Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo ra thế giới, thu về trên 3,2 tỷ USD.

Năm 2022, trong bối cảnh toàn cầu đang lo lắng về thiếu lương thực thì nước ta vẫn đều đặn canh tác lúa, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đặc biệt là không có tình trạng lúa gạo bị tăng giá đột biến. Đáng chú ý, trong những tháng qua, gạo Việt ngoài duy trì xuất khẩu ở những thị trường truyền thống, đã từng bước vươn xa đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp.

Chẳng hạn tại Nhật Bản, ngay đầu tháng 7-2022, Tập đoàn Tân Long với sự bảo trợ của Bộ Công thương đã hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản đưa 100 tấn gạo ST25 mở bán tại quốc gia này. Trước đó, vào tháng 6-2022, thương hiệu “Cơm Việt Rice” được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang châu Âu với lô hàng gần 500 tấn gạo và dự kiến sẽ tới Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7-2022. Có thể thấy, việc gạo Việt Nam xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và châu Âu tiếp tục là dấu ấn quan trọng, đóng góp vào thành công chung của gạo Việt Nam trong hành trình vươn ra thế giới.

Tin cùng chuyên mục