Gây ô nhiễm... rồi làm lơ?

Gây ô nhiễm... rồi làm lơ?

Suốt 5 năm qua, mỗi ngày Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Focosev (đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) thải ra môi trường 840m3 nước thải có mùi hôi thối nồng nặc. Nông dân ở đây nuôi cá cá chết; trồng lúa, lúa không trổ bông.

Đến xã Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), đi dọc cánh đồng Bò Họ của xã Phong An, nhìn vào các hồ cá dân nuôi bên cạnh Nhà máy Focosev thấy màu nước hồ vừa đen vừa xanh và bốc mùi. Từ 5 năm rồi, dân Phong An gọi cánh đồng Bò Họ là “cánh đồng chết” vì không trồng trọt, chăn nuôi gì được.

Gây ô nhiễm... rồi làm lơ? ảnh 1

Nhà máy gây ô nhiễm vẫn hoạt động như thường.

Biết là do nguồn nước có vấn đề nên người dân đi tìm và phát hiện ra cửa xả nước thải của Nhà máy Focosev, đó cũng chính là nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt sen non.

Chung cảnh ngộ với đám sen là hơn 5 sào ruộng lúa ở cánh đồng Đông Lâm. Trước kia toàn bộ diện tích lúa này có địa hình rất tốt, trồng lúa cho năng suất cao. Nhưng 5 vụ vừa qua cứ mỗi khi có mưa là nước thải lại tràn vào các đồng ruộng đen ngòm nên lúa chẳng ra bông, đành cắt bỏ…

Một thời gian dài dân Phong An khiếu kiện khắp nơi nhưng không hiểu sao nhà máy vẫn phớt lờ. Nghe dân bức xúc trình bày, ông Nguyễn Đình Hưng, PGĐ Nhà máy Focosev, biện bạch: “Nước thải ra từ nhà máy không có độc tố. Nếu dân có kiến nghị, mời trực tiếp vào kiểm tra”.

Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đông Lâm Nguyễn Văn Lệ bức xúc: “Chúng tôi là nông dân nên không biết thông số môi trường kỹ thuật gì hết. Chỉ biết rằng từ ngày có nhà máy, toàn bộ diện tích ruộng lúa có hiện tượng “vô sinh”, không do nước thải nhà máy thì chẳng lẽ do dân không biết làm lúa?”.

Tuy nhiên, kết quả của Chi cục BVMT tỉnh Thừa Thiên-Huế về mẫu nước thải ra môi trường tự nhiên của nhà máy cho thấy: Trong số 2 chỉ số quan trọng nhất để đánh giá nguồn nước có bị ô nhiễm hay không là COD và BOD thì thành phần Coliform của COD nằm ở mức 111,5mg/l trong khi mức độ tối đa cho phép của TCVN chỉ là 80mg/l.

Ngoài ra, mẫu nước thải của Focosev ở cống cuối cùng thải ra môi trường là 314,3mg/l Pt so với tiêu chuẩn cho phép chỉ là 50, độc hại gấp 6 lần. Khi có kết luận này, ông Hưng mới chịu thừa nhận và cho biết nhà máy đang tìm cách giải quyết…

Trước thực tế này, người dân địa phương kiến nghị các cấp nhanh chóng có biện pháp để giúp người dân nơi đây tiếp tục sản xuất cũng như mau chóng có biện pháp trả lại môi trường trong lành vốn có cho nơi này.

Vũ Hào

Tin cùng chuyên mục