Ghế của Thủ tướng Anh lung lay?

Thủ tướng Anh David Cameron đã phải cắt ngắn chuyến thăm châu Phi vì vụ bê bối truyền thông lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Thay vì thăm 4 nước Nam Phi, Nigeria, Rwanda và Nam Sudan, ông phải trở về nước sau chuyến thăm Nigeria. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ nghe lén điện thoại do tờ báo News of the World của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch gây ra.

Trong phiên điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Anh, ông Murdoch đã xin lỗi những nạn nhân bị nghe lén điện thoại và gọi ngày điều trần của ông là ngày xấu hổ nhất đời mình.

Trở về nước, Thủ tướng Cameron phải xuất hiện trước phiên họp đặc biệt của Quốc hội Anh ngày 20-7 để tường trình lý do vì sao ông lại thuê Andy Coulson làm thư ký báo chí mặc dù biết ông này liên quan đến vụ nghe lén điện thoại khi còn là cựu biên tập viên tờ News of the World hồi năm 2002. Ngoài ra, ông còn phải trả lời câu hỏi vì sao có liên hệ mật thiết với Rebekah Brooks, cựu Giám đốc News International, công ty mẹ của tờ News of the World.

Bà Brooks và ông Coulson đã bị bắt nên trách nhiệm của ông Cameron càng được dư luận chú ý hơn. Hơn nữa, ông còn liên đới trách nhiệm đối với vụ giám đốc cảnh sát London Paul Stephenson thuê Neil Wallis, một cựu biên tập viên khác của tờ News of the World làm cố vấn cho cơ quan cảnh sát này.

Đã có nhiều ý kiến kêu gọi Thủ tướng Cameron từ chức, đa số từ các nghị sĩ Công đảng đối lập, trong đó có hai nghị sĩ kỳ cựu là Gerald Kaufman và Dennis Skinner. Chủ tịch Công đảng Ed Miliband đòi công khai chi tiết tất cả các cuộc gặp giữa ông Cameron với bà Brooks.

Theo ông Miliband, các vụ bê bối này cho thấy lãnh đạo cấp cao Anh đang thiếu trách nhiệm. Theo ông, lẽ ra Thủ tướng Cameron phải xin lỗi khi thuê người từng phạm tội như Coulson. Những lời lẽ công kích mạnh nhất từ ông El Miliband cho thấy Công đảng muốn tận dụng vụ bê bối nghe lén điện thoại của tập đoàn Murdoch để có thể đưa đến một cuộc tổng tuyển cử sớm.

Ngay cả các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Cameron cũng lên tiếng cho rằng lẽ ra Coulson không bao giờ được phép có mặt ở trụ sở Chính phủ Anh. Đây là sai lầm khủng khiếp trong đánh giá con người liên quan đến chính ngài thủ tướng.

Truyền thông luôn là công cụ phục vụ đắc lực cho các chính thể cầm quyền, nhất là những gì thế giới đã thấy qua các cuộc chiến tranh của Mỹ và Anh ở Iraq và Afghanistan. Nếu “va chạm” với chính phủ, truyền thông sẽ là người thua cuộc.

Bằng chứng là năm 2004, chủ tịch và tổng giám đốc đài BBC đã phải từ chức vì bài của phóng viên Andrew Gilligan vạch trần sự thật rằng Chính phủ Anh đã thổi phồng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Lần đó xem như Thủ tướng Tony Blair đã được công luận thông cảm nhờ cái mác của sứ mệnh cao cả “chống khủng bố”.

Còn giờ đây, câu chuyện nghe lén điện thoại của các tờ báo lá cải và quan hệ giữa giới chức Anh với các tờ báo này cho thấy một mặt khác của mối quan hệ giữa chính trị và truyền thông Anh. Để tồn tại, các tờ báo lá cải và các chính trị gia đã lợi dụng lẫn nhau. Vấn đề ở chỗ các nhà báo lá cải đã xâm phạm đời tư của hàng ngàn người, vì vậy mọi mối quan hệ nếu không minh bạch của chính phủ Anh với họ sẽ không thể nào được công luận tha thứ. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục