Ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung: tốn kém vẫn phải làm

- Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

- Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

(SGGPO).- Phiên thảo luận của QH tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) đã diễn ra sáng nay, 17-6. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết cũng như các quan điểm sửa đổi Bộ luật TTHS nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp 2013 và tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn áp dụng trong thời gian qua. Nhiều ý kiến đề nghị dùng tên luật là “Bộ luật TTHS năm 2015” vì phù hợp với phạm vi sửa đổi căn bản, toàn diện của Bộ luật. Nếu chấp nhận đề nghị này, đề nghị cũng lấy tên Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là “Bộ luật Hình sự 2015”, đảm bảo tính đồng bộ.

Tán thành “quyền im lặng”

Trong số các nội dung cụ thể được quy định trong Bộ luật TTHS, nhiều ĐB nêu ý kiến về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (thường được gọi ngắn gọn là quyền im lặng). Cơ bản tán thành quy định của dự thảo, song ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, để tránh quy định này bị lạm dụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố xét xử, Bộ luật cần làm rõ việc khai báo sớm và thành khẩn là một yếu tố quan trọng để xem xét giảm nhẹ mức án.

Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) nhấn mạnh: “Chế định bào chữa là một thành tố quan trọng để đảm bảo tiến trình tố tụng minh bạch, công bằng. Tôi đề nghị dự thảo Bộ luật quy định bị can, bị cáo được quyền im lặng cho đến khi có người bào chữa tham gia tiến trình tố tụng. Tòa án, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thông báo để người bào chữa có mặt kịp thời, không quá 24 giờ sau khi bị can bị tạm giam, tạm giữ. Việc trao đổi giữa người bào chữa với người bị tạm giam, tạm giữ không bị ghi âm”.

Vẫn theo ĐB Phạm Huy Hùng, người bào chữa phải được coi là một chủ thể tư pháp độc lập, tham gia tố tụng một cách bình đẳng với các chủ thể khác. Xóa bỏ cơ chế cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; thay thế bằng chế độ đăng ký bào chữa và dành cho luật sư một vị trí ngồi ngang hàng với kiểm sát viên trong các phiên tòa…

Đảm bảo quyền tiếp cận tài liệu của bị can, bị cáo

Về quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, ĐB Vũ Xuân Trường đề nghị, để đảm bảo sự an toàn của hồ sơ và tính khả thi trong thực tiễn, nhất là đối với những vụ án lớn, chỉ quy định bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép đối với “một số bản sao tài liệu trực tiếp liên quan đến việc buộc tội chính bị cáo trong hồ sơ vụ án”. Bên cạnh đó, cần có hình thức sao lưu hồ sơ phù hợp.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nói thêm, cần rà soát, điều chỉnh cả Luật Tạm giam, tạm giữ và quy định chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục để bị can, bị cáo – nhất là những đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ - thực hiện được quyền này. Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm đến các trường hợp bị can, bị cáo là người bị hạn chế năng lực hành vi, không có khả năng bào chữa cho mình. Khi đó, luật sư có quyền tiếp cận những hồ sơ này hay không?

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) chưa hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ĐB Vũ Xuân Trường. Ông Nguyễn Trọng Trường lập luận: “Nếu chỉ cho đọc một số tài liệu thì cán bộ tố tụng có thể tùy tiện trong việc đưa tài liệu gì, giữ kín tài liệu gì. Tôi cho rằng không nên có hạn chế ở đây”.

Ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung: tốn kém vẫn phải làm

Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định rất mới của dự thảo Bộ luật, nhằm bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Quy định này được đa số ý kiến ĐBQH ủng hộ. ĐB Vũ Xuân Trường phát biểu: “Làm việc trong điều kiện luôn có máy quay, máy ghi âm theo dõi chắc cũng không thoải mái, nhưng để đảm bảo khách quan thì nên làm. Và cũng không nên giới hạn “một số trường hợp”, vì không biết trường hợp nào thì nên ghi, trường hợp nào thì không? Đồng thời, nên quy định rõ tài liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh vụ án chứ không chỉ “được sử dụng trong trường hợp cần thiết”.

Băn khoăn về nguồn kinh phí để mua sắm trang, thiết bị ghi âm ghi hình được các ĐB coi là không hợp lý. Ông Nguyễn Trọng Trường bình luận: “Có rất nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình trên thị trường với giá chỉ trên dưới một triệu đồng. Để khắc phục tình trạng bức cung nhục hình thì bỏ ra khoản tiền ấy cũng hợp lý”. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình: “Tốn kém cũng phải làm, vì liên quan đến quyền con người, hơn nữa với công nghệ hiện nay thì cũng không phải chi phí lớn. Nên ghi âm ghi hình 100% các cuộc hỏi cung”.

ANH PHƯƠNG

Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

(SGGPO). – Cuối giờ chiều 17-6, Quốc hội nghe Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Sau đó, các Đoàn ĐBQH họp để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Ngày mai, 18-6, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga, sau đó tiến hành bổ phiếu. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga vì không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Theo các văn bản của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, bà Châu Thị Thu Nga đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án xây dựng nhà ở tại khu B5 Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Tổng số tiền chiếm đoạt của 221 khách hàng đã gửi đơn tố cáo trên 114 tỷ đồng. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 139 Bộ Luật hình sự.  Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 866 tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga.

PHAN THẢO

-Thông tin liên quan:

>> Đề nghị Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

Tin cùng chuyên mục