Giá cước vận tải có thể giảm 5% - 7%

Mặc dù đang là tâm điểm dư luận, song không có doanh nghiệp vận tải nào đến dự cuộc đối thoại về giá cước vận tải và các giải pháp giảm giá cước vận tải do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 13-11.

Mặc dù đang là tâm điểm dư luận, song không có doanh nghiệp vận tải nào đến dự cuộc đối thoại về giá cước vận tải và các giải pháp giảm giá cước vận tải do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 13-11.

Tại cuộc đối thoại, đại diện Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm này, giá xăng giảm 12,1%, dầu giảm 16% so với tháng 1-2014. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước phù hợp.

Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp vận tải chậm trễ trong việc giảm giá cước vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, giá nhiên liệu khi tăng thường tăng rất mạnh nên có hiệu ứng ngay với các doanh nghiệp nhưng lúc giảm thì nhỏ giọt nên hiệu ứng thấp. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại giá xăng dầu có giữ được mức giảm này trong bao lâu, giảm tiếp hay lại tăng ngay, gây khó khăn cho việc kê khai, niêm yết lại giá cước.

Đại diện các sở GTVT Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội… cũng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp vận tải khi họ phải chịu thời gian giá xăng dầu tăng cao kéo dài, trong khi thời gian được hưởng giá xăng giảm chỉ khoảng từ hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, không loại trừ việc có những doanh nghiệp đang vì lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của người dân, vì vậy, việc thanh tra, rà soát việc kê khai giá của các doanh nghiệp vận tải trong thời điểm này là hết sức cần thiết.

Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT rà soát lại việc kê khai giá cước vận tải bằng ô tô và yêu cầu có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để quản lý giá cước vận tải chặt chẽ, linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, Liên bộ Tài chính - GTVT vừa có thông tư số 152/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-12 tới đây.

Theo đó, để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc kê khai, điều chỉnh giá cước vận tải, danh mục kê khai giá cước sẽ rút gọn từ 6 dịch vụ xuống còn 3 dịch vụ, thời gian kê khai từ 7 - 10 ngày rút xuống chỉ còn 5 ngày. Đặc biệt, thông tư này cho phép, nếu mức tăng, giảm dưới 3% thì doanh nghiệp không cần kê khai, để tiết kiệm thời gian, chi phí. Doanh nghiệp có thể gửi công văn, gửi mail đến cơ quan quản lý. Nếu như trước đây doanh nghiệp phải gửi kê khai cho 3 đơn vị là Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục Thuế thì nay chỉ gửi cho 1 đơn vị, do UBND các tỉnh phân công cụ thể.

Về mức giá cước vận tải có thể giảm bao nhiêu, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với mức giá xăng dầu giảm 12% - 16% như hiện nay, mức giá cước vận tải có thể giảm 5% - 7%. Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp sẽ giảm giá đồng loạt theo mức nêu trên mà các doanh nghiệp sẽ tính toán lại, nếu doanh nghiệp nào đã tăng từ đầu năm nhưng chưa giảm lần nào sẽ phải giảm giá tương ứng mức giảm của giá xăng dầu, doanh nghiệp nào đã giảm thì tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Trong tháng 11-2014, sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương để tổ chức kiểm tra, rà soát một số đơn vị kinh doanh vận tải lớn trên địa bàn nhằm chấn chỉnh công tác quản lý giá cước. Nếu doanh nghiệp nào kê khai không hợp lý sẽ bị truy thu thuế và bị xử phạt theo các quy định hiện hành.

Đại diện Bộ GTVT khuyến cáo các Sở GTVT, các hiệp hội vận tải đàm phán với các doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để tiết giảm chi phí nhằm kéo giảm hơn nữa giá cước vận tải, nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải so với thu nhập bình quân của Việt Nam đang cao, chi phí cho vận tải của Việt Nam chiếm 11,8% GDP trong khi Hoa Kỳ dưới 4,5%, Singapore 4,8%, EU 5,8%, Nhật Bản 6%.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục