Giá điện sinh hoạt cho công nhân, sinh viên: Vẫn phải chờ

Nhiều bạn đọc gởi thư đến Báo SGGP thắc mắc về việc không được cấp định mức sử dụng điện cho công nhân, sinh viên thuê phòng trọ theo giá chính thức của nhà nước, mà phải trả tiền điện cao gấp 10-20 lần.

Ông Phạm Như Long, nhà số 27 lô C khu phố 3 P.Tam Bình Q.Thủ Đức TPHCM, cho biết, gia đình ông có một số phòng trọ cho công nhân thuê. Để phần nào giảm bớt khó khăn cho công nhân trong điều kiện đồng lương còn ít ỏi, giá cả hàng hóa leo thang, đầu tháng 9-2008, ông Long nộp hồ sơ xin cấp định mức điện dùng chung tại Điện lực Thủ Đức. Sau hơn một tháng chờ đợi, gia đình ông nhận được trả lời của Điện lực Thủ Đức là không cấp định mức điện, với lý do gia đình ông chỉ có giấy thỏa thuận thuê phòng trong khi quy định là phải có hợp đồng thuê nhà.

Theo ông Long, nội dung trong giấy thỏa thuận thuê phòng cũng giống như hợp đồng thuê nhà, chỉ khác chăng là tên gọi, vì sao ngành điện lại làm khó gia đình ông? Tuy nhiên, sau đó ông về UBND P.Tam Bình để xin xác nhận hợp đồng thuê nhà thì nhân viên nơi đây lại trả lời: “Phường không có thẩm quyền xác nhận hợp đồng thuê nhà” và hướng dẫn ông đến Phòng Công chứng số 3 làm thủ tục. Để được công chứng hợp đồng thuê nhà thì cần giấy chủ quyền nhà và hàng loạt điều kiện khiến ông Long không thể đáp ứng được. Như vậy, sau nhiều tháng làm giấy tờ xin cấp định mức điện dùng chung cho công nhân thuê phòng trọ, gia đình ông phải dừng việc làm thủ tục lại.

Theo quy định tại Thông tư số 11/2006/TT-BCN ngày 20-12-2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về hướng dẫn thực hiện giá bán điện, có quy định: “Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê 12 tháng trở lên) mà chủ nhà là bên mua điện ký hợp đồng mua bán điện với bên bán điện thì cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của chính quyền địa phương) tính là một hộ sử dụng điện áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc cấp định mức sử dụng điện theo hướng dẫn trên, Công ty Điện lực TPHCM và UBND quận, huyện gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai rộng rãi chính sách này đến các hộ cho thuê nhà, thuê phòng.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 492 Bộ luật Dân sự hiện hành về hình thức hợp đồng thuê nhà ở “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực”. Và tại khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở quy định trình tự, giao dịch về nhà ở “hợp đồng thuê nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở đô thị, chứng thực của UBND cấp xã đối với nhà ở tại nông thôn…”.

Hiện tại, vì lý do khách quan cũng như chủ quan, nhiều gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, do đó không thể thực hiện giao dịch về nhà ở đúng theo quy định của pháp luật. Vì thế, đến nay chỉ mới có 1,2% số công nhân lao động (3.000/250.000 lao động) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng giá điện chính thức. Trên 98% số công nhân, sinh viên còn lại phải trả giá điện cao gấp 10 đến 20 lần giá quy định của Nhà nước.

Để giảm thiệt thòi cho người lao động, công nhân, Công ty Điện lực TP đã đề nghị cấp định mức điện thắp sáng sinh hoạt bậc thang chỉ cần căn cứ vào sổ quản lý người thuê phòng trọ có xác nhận của công an, hoặc chỉ cần giấy cho thuê nhà trọ có xác nhận của UBND phường xã mà không cần đến hợp đồng thuê nhà có công chứng.

Tuy nhiên, câu hỏi đến bao giờ công nhân, sinh viên TP được hưởng giá điện chính thức vẫn phải tiếp tục chờ, vì Sở Công thương TP còn đang kiến nghị Bộ Công thương!

Trần Thanh

Tin cùng chuyên mục