(SGGP).- Đó là ý kiến của nhiều đại biểu trong hội thảo “Bạo lực học đường: Nhận diện và giải pháp” do Ban Tuyên giáo và Sở GD-ĐT TP Cần Thơ phối hợp tổ chức ngày 23-6. Nhiều tham luận cho thấy bên cạnh sự tham gia của nhà trường và xã hội, gia đình chính là yếu tố quyết định trong việc phát hiện, phòng chống bạo lực học đường.
Gia đình là tế bào xã hội, là nơi nuôi dưỡng, hình thành sớm nhất tính cách, nhân cách cá nhân; hầu hết thời gian học sinh đều sống trong môi trường này. Gia đình cần quan tâm hơn trong giáo dục đạo đức, tính hướng thiện; lưu ý trau dồi các kỹ năng sống (giao tiếp ứng xử, nhận biết nguy cơ và dấu hiệu bạo lực học đường, cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn, khả năng kiểm soát hành vi, phòng ngừa tự vệ...); tăng cường phối hợp với nhà trường và các cơ quan chức năng cơ sở...
Trước áp lực tác động ngày càng cao từ bên ngoài, nhất là vấn đề quản lý Internet, gia đình đang mang trọng trách rất lớn trước xã hội. Qua khảo sát trên 311 học sinh tiểu học, 751 học sinh trung học, 379 phụ huynh học sinh, 293 nhà giáo dục trên địa bàn Cần Thơ cho thấy mức độ xảy ra bạo lực học đường tại các trường tiểu học cao hơn so với học sinh trung học…
THỐNG NHẤT