Số người trên 65 tuổi ở nước ta hiện chiếm khoảng 10% dân số và con số này đang tiếp tục gia tăng. Già hóa dân số hay tuổi thọ người dân tăng cao đã phản ánh những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.
Trẻ giảm - già tăng
Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, nghĩa là số người trong độ tuổi lao động chiếm mức cao nhất, cứ 2 người trong độ tuổi lao động nuôi 1 người trong tuổi phụ thuộc. Tuy nhiên, song hành cùng thời kỳ “vàng” này thì dân số Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hóa, với số người cao tuổi tăng lên nhanh chóng. Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, cho biết, số người trên 60 tuổi ở nước ta hiện chiếm khoảng 10% dân số và khoảng 16-18 năm tới, dự báo con số này sẽ là 14%, đồng nghĩa với việc nước ta sẽ chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.
Lý giải vấn đề số người cao tuổi đang gia tăng nhanh, theo TS Trọng, đây là thành tựu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội khi người dân được chăm sóc sức khỏe và đời sống tốt hơn, dẫn tới tuổi thọ cao hơn. Đặc biệt, già hóa tăng nhanh cũng do Việt Nam đã kiểm soát mức sinh rất tốt và chặt chẽ. Trước đây do mức sinh cao nên số lượng trẻ em rất lớn, có những giai đoạn trẻ em dưới 15 tuổi ở nước ta chiếm tới hơn 30% dân số. Nhưng từ năm 2009, tỷ lệ trẻ em ở nước ta đã giảm mạnh, chỉ chiếm 25% dân số và hiện còn khoảng 23% dân số, trong khi số lượng người cao tuổi đang tăng lên. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt mức 73 tuổi, tăng hơn 33 tuổi so với thời kỳ những năm 1960. Ngoài ra, nhóm “dân số vàng” ở độ tuổi lao động trong 5-10 năm tới sẽ “đẩy lên” thành người cao tuổi nên cũng sẽ chiếm một tỷ trọng lớn khiến số người cao tuổi ở nước ta tăng nhanh hơn.
Nhiều thách thức
Số người cao tuổi tăng đang buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Trong đó nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm nên người cao tuổi gặp không ít bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm và mãn tính. TS Phạm Thắng - Viện trưởng Viện Lão khoa quốc gia, chia sẻ: Già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn về công tác chăm sóc y tế. Mặc dù tỷ lệ người già chỉ chiếm từ 10-20% dân số nhưng lại chiếm tới 70% tổng kinh phí y tế quốc gia và tiêu thụ đến 50% lượng thuốc của quốc gia đó.
Theo Viện Lão khoa quốc gia, người già thường mắc nhiều bệnh cùng lúc và chủ yếu là các bệnh mãn tính, trung bình 3 bệnh/người cao tuổi như: cao huyết áp, sa sút trí tuệ, loãng xương, ung thư, tuyến tiền liệt và tiểu đường... Đáng chú ý, điều tra quốc gia về người cao tuổi cho thấy, chỉ có 4,8% người già có sức khỏe tốt và rất tốt; 65,4% yếu và rất yếu, còn lại là trung bình.
Đáng lo hơn, mặc dù người cao tuổi phải chịu gánh nặng về sức khỏe rất lớn nhưng việc họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại đang gặp nhiều hạn chế và có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người già gặp rất nhiều khó khăn, chỉ 35,6% người cao tuổi ở thành phố và 21,9% ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Không chỉ vậy, cả nước có hơn 26% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào và trên 51% người già không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không đi viện khi ốm đau.
TS Phạm Thắng cho biết, hệ thống y tế - lão khoa cũng chưa đầy đủ, thiếu thốn trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Hơn nữa, hệ thống nhà dưỡng lão cho người cao tuổi cũng chưa thật sự đúng nghĩa. Chúng ta có hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội là nơi chăm sóc những người già, trẻ em, những người không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong đời sống… nhưng về khía cạnh chăm sóc y tế đang bị bỏ ngỏ.
| |
TRUNG KIÊN