Giá một số mặt hàng ở TPHCM : Có xu hướng giảm

Siêu thị rẻ hơn chợ
Giá một số mặt hàng ở TPHCM : Có xu hướng giảm

Giá một số mặt hàng đang có xu hướng giảm dần sau một thời gian dài tăng khá cao. Điều đó chứng tỏ nỗ lực chung của các ngành, các doanh nghiệp (DN) kết hợp với nhiều biện pháp của UBND TPHCM, đã phần nào kiềm chế được cơn sốt giá.

Siêu thị rẻ hơn chợ

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sau nhiều lần tăng giá, giá bán nhiều mặt hàng hiện đứng ở mức đỉnh điểm, cao hơn khoảng 30%-40% so với đầu năm. Giá tăng khiến sức mua giảm buộc các DN phải tính toán lại giá thành sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Giá một số mặt hàng ở TPHCM : Có xu hướng giảm ảnh 1

Mua thịt heo Vissan tại Co.op mart Cống Quỳnh, thịt giảm 2.000 đồng/kg. Ảnh chụp 17 giờ 30 ngày 25-6. Ảnh: THÀNH TÂM

Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện giảm giá bán hàng loạt mặt hàng là SaigonCo.op. Ngay từ ngày 31-3, DN này chấp nhận giảm lãi khoảng 50% để thực hiện chương trình giảm giá bán đối với nhiều nhóm hàng như hóa mỹ phẩm, may mặc, hàng gia dụng… Riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống, chế biến và trái cây, SaigonCo.op cũng giảm giá bán tới 10%, giảm 15% cho nhóm hàng chạp phô…

Theo Ban giám đốc của SaigonCo.op, giảm lãi để chia sẻ với người tiêu dùng góp phần bình ổn giá hàng hóa hiện là một trong những việc làm được SaigonCo.op ưu tiên hàng đầu. Cách làm của DN này là tích cực đàm phán và hợp tác cùng với các nhà cung cấp tham gia bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, rau củ quả…

Ngày 25-6, Công ty Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) tiếp tục công bố giảm giá bán đối với mặt hàng thịt heo tại tất cả siêu thị của hệ thống Co.opMart, hệ thống các cửa hàng phân phối và giới thiệu sản phẩm. Đây là đợt giảm giá thứ 3 kể từ đầu tháng 6 tới nay với mức giảm bình quân là 9.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, giá thịt heo bán trong các siêu thị đã cạnh tranh hơn, góp phần kéo giá bán mặt hàng này trên thị trường có chiều hướng giảm nhẹ.

Hệ thống siêu thị Big C cũng chấp nhận giảm lãi để kích cầu thông qua chương trình khuyến mãi kéo dài 36 ngày. Theo đó, có hơn 300 mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, công nghệ phẩm đã giảm giá bán 20%-50%. Trước đó, vào thời điểm tháng 3-2008, BigC cũng thực hiện cam kết bán giá thấp hơn 5%-10% trên giá bao bì của hơn 1.000 mặt hàng thực phẩm khô và hóa mỹ phẩm. Đại diện của Big C cho biết, đang tiếp tục bàn bạc với các nhà cung cấp để thực hiện các đợt khuyến mãi trong những tháng tới nhằm bình ổn giá bán các mặt hàng trên thị trường.

Việc thực hiện các chương trình giảm giá để kích cầu, làm cho giá bán nhiều mặt hàng trong siêu thị rẻ hơn 5%-20% so với giá bán chung trên thị trường. Với những nhóm hàng không nằm trong chương trình giảm giá thì giá bán trong siêu thị cũng thấp hơn từ 3%-7% so với các chợ. Điển hình nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm và công nghệ phẩm. Tại gian hàng chạp phô của chị Huyền (chợ Văn Thánh), bột ngọt Ajnomoto 454 bán với giá 18.000 đồng/gói thì tại siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng là 15.800 đồng/gói; dầu ăn Simply (loại 1 lít) bán tại chợ và siêu thị chênh nhau 4.000 đồng/chai, nước mắm Hưng Thịnh chênh nhau 1.800 đồng/chai…

Sức mua tại các chợ giảm mạnh

Theo bà Quỳnh Chi, Phó Giám đốc Marketing SaigonCo.op, mặc dù các nhà cung cấp không đưa ra đề nghị tăng giá bán một cách dồn dập như những tháng trước, nhưng rải rác trong tháng, vẫn có những DN đề nghị tăng giá. Đây là những nhóm hàng nhập khẩu hoặc được sử dụng từ nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tỷ giá. Nhưng chỉ trong trường hợp bất khả kháng, SaigonCo.op mới chấp nhận với nhà cung ứng hàng hóa tăng giá bán. Thay vào đó, SaigonCo.op sẽ tăng cường đi tìm nguồn hàng có giá cạnh tranh hơn nhằm tạo sự ổn định.

Khuyến mãi cũng đồng nghĩa các siêu thị phải chấp nhận giảm lãi. Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, SaigonCo.op đã phối hợp cùng các nhà cung cấp đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để bình ổn giá, trong đó riêng mặt hàng thịt gia súc đã chi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Vì sao giá bán trong siêu thị rẻ hơn các chợ? Theo chúng tôi, lý do đơn giản là vì hiện nay hầu hết hệ thống các siêu thị đang áp dụng biện pháp tăng dự trữ nguồn hàng với số lượng lớn để có thể bình ổn giá hoặc kéo giãn tốc độ tăng giá. Trong khi đó, khả năng dự trữ nguồn hàng của các cửa hàng và tiểu thương gần như bằng 0. Điều này làm người bán không làm chủ được giá bán, phải “thả nổi” theo yêu cầu của các đại lý cung cấp. Do có sự chênh lệch, nên doanh thu 6 tháng đầu năm tại các siêu thị vẫn đảm bảo theo kế hoạch, trong khi đó sức mua tại các chợ đã giảm từ 25%-30% so với hồi đầu năm. Chị Huyền phân trần: “Giá hàng hóa tăng, chúng tôi phải chấp nhận giảm lãi tới 70% để cầm cự, song vẫn không thể cạnh tranh với các siêu thị. Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều tiểu thương sẽ bị… thất nghiệp!”.

Không riêng các chợ, sức mua trên thị trường chung trong 6 tháng đầu năm đối với nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép,… cũng giảm rất mạnh. Nguyên nhân chính là giá cả các mặt hàng thiết yếu đang đứng ở mức rất cao nên người dân buộc phải tính toán lại chi tiêu một cách hợp lý hơn.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục