Giá thuốc tăng bất chấp lệnh cấm

Thuốc ngoại và nội đều tăng
Giá thuốc tăng bất chấp lệnh cấm

Từ đầu tháng 4-2008, Cục Quản lý dược Việt Nam Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thuốc không được tăng giá thuốc cho tới hết tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, giá thuốc tại nhiều thành phố lớn vẫn tiếp tục tăng giá.

Thuốc ngoại và nội đều tăng

Giá thuốc tăng bất chấp lệnh cấm ảnh 1

Giá thuốc tăng - người bệnh vẫn không thể không mua. Ảnh: LÃ ANH

Tại Trung tâm buôn bán dược phẩm Ngọc Khánh, Hà Nội, nhiều mặt hàng ngoại tăng khá mạnh. Đáng kể như: thuốc kháng khuẩn Rodogyl từ 63.000đ/hộp tăng lên 68.000đ/hộp, thuốc trị tiểu đường Diamicron từ 118.000đ/hộp nay đã tăng lên 125.000đ/hộp.

Ngoài ra, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước cũng tăng giá: thuốc nhỏ mũi Otilin từ 3.500đ lên 5.000đ/lọ, thuốc ho bổ phế từ 6.500đ lên 8.500đ/lọ. Anh Nguyễn Xuân Lộc, giám đốc một doanh nghiệp dược tư nhân cho biết, các thuốc bán buôn đều tăng trung bình 5%. Với giá bán buôn tăng, chắc chắn giá bán lẻ tại các nhà thuốc sẽ phải cộng thêm khoảng 10% cho các chi phí khác như vận chuyển, tiền thuê cửa hàng…

Trong khi đó, theo khảo sát mới đây nhất của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 4-2008 giá nhiều loại thuốc đã tăng 5%-10% so với những tháng trước đó. Còn theo Cục Quản lý dược, khảo sát ở 3 khu vực trọng điểm của cả nước cho thấy, Hà Nội có 40 mặt hàng tăng giá, TP Hồ Chí Minh có 31 mặt hàng thuốc tăng giá, miền Trung có 11 mặt hàng tăng giá. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm trong số 82 mặt hàng tăng giá có xuất hiện tình trạng xé rào (tự ý tăng giá)?

Cấm nhưng vẫn có “khoảng mở”!

Theo dự báo của Cục Quản lý dược Việt Nam, trong tháng 5, tình hình giá thuốc tiếp tục có điều chỉnh tăng do sự tăng giá nguyên liệu. Trong tháng 4 vừa qua, giá nguyên liệu sản xuất thuốc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường thế giới tăng giá mạnh. Đặc biệt, nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc tăng khoảng 15%.

Mặc dù giá thuốc trên thị trường tiếp tục tăng mức trên 5% nhưng theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2008, chỉ số tăng giá của nhóm mặt hàng thuốc chỉ ở mức 2,7%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng là hơn 10%. Ông Cường cũng cho rằng, số mặt hàng thuốc tăng giá ở mức cao chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, còn nói chung đều tăng ở mức có thể chấp nhận được khoảng 2%-3%. Hơn nữa, việc tăng giá thuốc lần này không ồ ạt và đột biến như những đợt tăng giá trước đây.

Lý giải về việc mặc dù đã cấm tăng giá nhưng các doanh nghiệp vẫn tăng giá thuốc, ông Cường cho rằng, quy định là như vậy nhưng vẫn có một “khoảng mở” cho các doanh nghiệp. Ngoài việc doanh nghiệp  không được phép đề nghị tăng giá thuốc mới thì các loại thuốc đang bán vẫn được phép điều chỉnh trong mức giá hợp lý. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp cố tình tăng giá đồng loạt và bất hợp lý, Cục Quản lý dược sẽ xem xét, đình chỉ hoạt động và rút số đăng ký của doanh nghiệp đó.

Được biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Cục Quản lý dược đã nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh giá thuốc của 15 doanh nghiệp với tổng số 108 mặt hàng, chiếm 0,6% tổng số mặt hàng lưu hành trên thị trường. Trong đó, 11 doanh nghiệp trong số này đã được các sở y tế xem xét tính hợp lý của việc xin điều chỉnh giá thuốc lần này với tổng số 104 mặt hàng. Lý do hầu hết các công ty đưa ra là giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá lương... đều tăng.

Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục