Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, ngày 9-8 giá vàng trong nước tiếp tục biến động dữ dội.
- Nhà đầu tư bối rối
Mở cửa đầu ngày, giá vàng thế giới đạt mức 1.760 USD/ounce, tăng 43 USD/ounce so với mức giá chốt ngày 8-8. Chỉ một giờ sau đó, tại TPHCM giá vàng SJC cũng lần lượt vượt qua các mốc: 44,8 triệu đồng, 45,5 triệu đồng/lượng rồi 46,2 triệu đồng (bán ra). Thậm chí, vào lúc 12 giờ cùng ngày, người ta lại choáng ngợp khi thấy nhiều tiệm vàng niêm yết giá vàng SJC bán ra chạm mốc 47 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, 15 phút sau khi có thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhập 10 tấn vàng, nên thị trường vàng trong nước hạ nhiệt và chốt ở mức 45 triệu đồng/lượng (mua vào), 45,6 triệu đồng/lượng (bán ra) vào cuối ngày.
Tình huống này khiến giới kinh doanh lẫn nhà đầu tư đều bối rối trong việc định giá. Thay vì tăng mua, giới đầu cơ bắt đầu chuyển sang bán ra. Đối phó với hiện tượng này nhiều tiệm vàng ở khu vực các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận… niêm yết một giá, giao dịch một giá. Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro trước sự biến động khó lường do áp lực gom - xả hàng của giới đầu cơ, nhiều tiệm vàng đã kéo dãn biên độ giá mua và giá bán lên 800.000 - 1 triệu đồng/lượng (bình thường chỉ 50.000 - 100.000 đồng) và liên tục điều chỉnh giá theo hướng giảm dần.
Tại các tiệm vàng, biểu giá niêm yết vàng liên tục được cập nhật. Nếu đầu giờ sáng, trước xu hướng lên của giá vàng thế giới, họ tránh bán ra bằng mọi cách trong đó có thủ thuật nâng giá thì từ 13 giờ các cửa hàng vàng này lại chủ động hạ dần và ép giá mua vô đối với nhiều khách hàng. Tại cửa hàng vàng Hoàng Mai, đầu đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, một khách chào bán 10 lượng vàng SJC nhưng sau khi “hội ý” qua điện thoại, chủ cửa hàng này chỉ đồng ý mua giá 45 triệu đồng/lượng dù ngay thời điểm đó cửa hàng niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
- Để không phụ thuộc vào vàng
Chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh cho rằng: “Tới thời điểm này khó có thể dự đoán được vàng sẽ đứng giá ở mức nào, nhưng tôi chắc chắn rằng giá vàng chỉ tăng chứ không giảm. Vàng tăng giá là điều đã được dự đoán trước, nó đang phản ánh đúng với diễn biến của tình hình kinh tế trong và ngoài nước”.
Nhu cầu mua vàng đang tăng cao chưa từng có, nhiều doanh nghiệp vàng không đủ vàng để phục vụ thị trường phải đề nghị được nhập vàng khẩn cấp. Tình trạng làm giá để đối phó khi nguồn cung khan hiếm trở nên phổ biến. Chính vì thế, để tránh cơn “bão giá” vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân không nên ồ ạt đổ xô vào vàng bằng mọi giá như hiện nay.
Theo bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong năm 2010 và năm 2011 xu hướng mua vàng ồ ạt chủ yếu do đầu cơ là chính. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2011, nhờ Nghị định 11 hạn chế kinh doanh vàng miếng làm cho thị trường vàng nguội bớt, nhu cầu vàng theo đó cũng khựng lại. Tuy nhiên giữa tháng 7 “nút thắt” này vừa hé mở người ta lại ồ ạt dồn vốn vào vàng. Điều này có thể thấy rằng vàng hiện nay đang là một kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn để sinh lợi, nhất là trong giai đoạn chứng khoán suy thoái.
Tuy nhiên, với mức giá quá cao như hiện nay, vàng hiện không còn được xem là bản vị tính giá trị hàng hóa. Sự lên xuống của giá vàng không còn tác động và ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Điều này rất dễ thấy khi hiện nay không ai quy giá nhà, đất, xe… ra giá vàng để trao đổi mua bán nữa. Vì thế theo bà Dung nếu tách được vàng ra khỏi đời sống, khỏi tiền tệ thì đó là một điều tốt cho nền kinh tế.
MAI THI
>> Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cho nhập 5 tấn vàng, giá vàng hạ nhiệt
>> Vượt mốc 44 triệu đồng/lượng: Ai đang thao túng thị trường vàng?
| |