Giá vé máy bay nội địa tăng cao: Cơ hội cho các hình thức vận tải khác bứt phá

Theo Cục Du lịch quốc gia, trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, phần lớn du khách đã chọn loại hình tour đi bằng ô tô hoặc kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ô tô, đường thủy. Điều này cũng phản ánh xu hướng của hoạt động vận tải hành khách với sự tăng trưởng mạnh của đường bộ, đường sắt trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa tăng cao. 

Khách đi máy bay giảm

Theo thông tin từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong cao điểm lễ 30-4 và 1-5, các cảng hàng không trực thuộc phục vụ gần 1,8 triệu hành khách, trong đó có 1,132 triệu khách nội địa. Con số này đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, trong kỳ nghỉ lễ, sân bay này phục vụ trung bình 108.805 khách/ ngày, giảm 7,62% so với năm 2023 và giảm 9,67% so với năm 2019. Còn tại CHKQT Nội Bài phục vụ trung bình hơn 80.000 lượt khách/ngày, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

G1g.jpg
Hành khách di chuyển bằng đường sắt tại ga Hòa Hưng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nguyên nhân chính khiến lượng khách của ngành hàng không giảm là do giá vé máy bay tăng quá cao. Theo ghi nhận từ các đại lý vé máy bay, chặng bay từ TPHCM đi các sân bay miền Trung những ngày cao điểm đều có giá từ 2 triệu đồng/chiều trở lên. Chặng từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung cũng tương tự. Đặc biệt, các đường bay đến Phú Quốc có giá vé rất cao, từ Hà Nội giá vé lên tới 8,6 triệu đồng/vé khứ hồi, từ TPHCM giá vé khoảng 4 triệu đồng. Chị Hoàng Dung, đại diện Công ty SEA Travel, cho biết, giá vé máy bay luôn cao từ Tết Nguyên đán tới nay, kể cả vào khoảng tháng 2, tháng 3, vốn là dịp thấp điểm hàng năm.

Rà soát, kiểm tra công tác bán vé máy bay

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa yêu cầu Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra công tác bán vé máy bay. Theo đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, các cơ quan chức năng cần kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân; bình ổn giá vé, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân. Báo cáo kiểm tra, rà soát cần được gửi về Bộ GTVT trước ngày 10-5.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thông tin, một trong những nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay cao là do thiếu máy bay. Các hãng hàng không Việt Nam có tới 44 máy bay A321 Neo phải triệu hồi khắc phục lỗi động cơ theo yêu cầu của nhà sản xuất. Theo kế hoạch, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, các hãng hàng không Việt Nam mới có đủ số máy bay để trở lại hoạt động bình thường. Ông Thắng dự báo, việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Đường sắt, đường thủy: tăng thị phần

Giá vé máy bay đắt đỏ thực sự là cơ hội cho ngành đường sắt lấy lại thị phần vận tải hành khách. Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, đường sắt đã bán được khoảng 120.000 vé. Lượng vé không tăng do năng lực vận tải còn hạn chế, nhưng vé được tiêu thụ rất nhanh. Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ tết đến nay, công suất các đoàn tàu đều đạt 90%-95%. Đặc biệt, đối với 2 mác tàu chất lượng cao vừa đưa vào khai thác gồm Hà Nội - Đà Nẵng và đoàn tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng luôn trong tình trạng “cháy vé”.

Trong dịp cao điểm hè sắp tới, ngoài tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc - Nam, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ chạy thêm các đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Phòng. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ chạy thêm nhiều tàu chặng TPHCM đi Nha Trang, Phan Thiết phục vụ khách du lịch. Dự báo, nhu cầu đi du lịch bằng tàu hỏa năm nay sẽ tăng cao. Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, ngành đường sắt đang tận dụng cơ hội lấy lại thị phần, bằng cách tích cực nâng chất lượng dịch vụ. Hiện các toa tàu khách đều đã được cải tạo, gia tăng các tiện ích. Ngành đường sắt cũng đã hợp tác các đơn vị lữ hành đẩy mạnh mô hình thuê nguyên chuyến trên những chặng ngắn, một hình thức khai thác mới khá hiệu quả.

G1d.jpg
Bến xe bus miền Đông. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, với hạ tầng lạc hậu hiện nay, ngành đường sắt vẫn chưa thể có sự đột phá về năng lực vận tải, đồng nghĩa với việc thị phần chưa có sự cải thiện đáng kể, chỉ nhỉnh hơn mức 0,15% so với năm 2023. Trong khi đó, theo Bộ GTVT, trong năm 2023 và đầu năm 2024, vận tải khách đường thủy tăng hơn 6%, đường biển tăng 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số tăng trưởng của đường thủy và đường biển vẫn còn thấp so với tiềm năng. Với việc giá vé máy bay cao, trong khi đường sắt, đường thủy và hàng hải chưa đủ lực để tạo đột phá, áp lực vận tải lại tiếp tục dồn lên đường bộ. Thực tế từ kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua cho thấy, nhiều người dân đã chọn đường bộ làm phương tiện di chuyển, kể cả những chặng dài 300-500km.

Thông tin từ các công ty du lịch cũng cho biết, mùa hè năm nay, các tour du lịch đường bộ, đường bộ kết hợp đường sắt sẽ lên ngôi do giá thành hợp lý hơn hẳn so với các tour đi máy bay. Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho thấy, với hạ tầng được ưu tiên đầu tư, nâng cấp; chi phí thấp; dịch vụ thuận tiện… vận tải khách đường bộ tiếp tục tăng trưởng và chiếm ưu thế với 91,79% thị phần. Như vậy, việc thay đổi cơ cấu vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không, giảm thị phần vận tải đường bộ mà Bộ GTVT đặt ra vẫn còn xa vời.

Nhiều chi phí tăng cao gây áp lực lên giá vé máy bay

Ngày 6-5, tại báo cáo của Bộ GTVT về tình hình giá vé máy bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay nội địa đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, với đường bay Hà Nội - TPHCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines 2,64 triệu đồng (tăng 14%), Vietjet Air 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel 1,5 triệu đồng (tăng 15%). Tương tự, các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đi, đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của các hãng tăng từ 13%-20%, cao nhất là Vietjet Air tăng 32%-38%. Đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines tăng 13,8%, Vietjet Air tăng 49,6%. Đường bay từ Hà Nội - Nha Trang các hãng tăng 3%-7%, riêng Vietjet Air tăng 39%. Tuy nhiên, mức giá trung bình này chỉ ở mức 42%-77,6% mức giá tối đa theo quy định.

Cục HKVN cho rằng, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ. Theo Cục HKVN, nguyên nhân giá vé máy bay cao là giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW); giá thuê máy bay tăng. Trong đó, riêng biến động giá nhiên liệu và tỷ giá USD/VND đã làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12-2014 và tăng 53,24% so với tháng 8-2015 (thời điểm ban hành khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa). Các hãng cũng thông báo không thuê được máy bay nên chênh lệch cung - cầu sẽ tiếp tục xảy ra vào cao điểm hè 2024, gây áp lực lên giá vé. Để hạn chế tác động tiêu cực, Cục HKVN đã triển khai các giải pháp tăng tần suất khai thác và tăng cường hoạt động vào các khung giờ đêm tại các sân bay đủ điều kiện, rút ngắn thời gian quay đầu máy bay, đảm bảo nguồn cung không thấp hơn so với năm 2023.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục