Trong tình hình kinh tế khó khăn chung kéo dài, nhiều doanh nghiệp vẫn “sống khỏe” nhờ áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời.
Xác định năng lực cốt lõi
Trải qua những năm tháng “sóng gió” gần đây do tình hình kinh tế suy giảm, song Tổng Công ty Liksin vẫn luôn giữ vững doanh số hàng năm đạt gần 1.000 tỷ đồng và đời sống CBCNV luôn được đảm bảo. Đáng chú ý, có những thời điểm do cạnh tranh gay gắt, doanh số có phần chựng lại, nhưng lợi nhuận lại tăng lên.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Liksin Nguyễn Ngọc Sang cho biết, để giữ vững doanh số, đạt được các chỉ tiêu hàng năm, doanh nghiệp phải bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm vững thị trường… để áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm đưa đến năng suất cao nhất. Trong đó, công tác quản trị doanh nghiệp được đưa lên hàng đầu, qua đó xác định năng lực cốt lõi, tập trung nguồn lực hiệu quả. Bất cứ việc gì xảy ra trong doanh nghiệp phải được xác định, đo lường được.
Ví dụ, thông qua phương pháp quản trị để đo và đánh giá năng lực CBCNV hoặc thị trường, tài chính, sản xuất… một cách chính xác nhất, sau đó đi đến quyết định nên đầu tư sản xuất như thế nào nhằm mang lại hiệu quả, tránh dàn trải. “Tôi đơn cử, khi doanh nghiệp đặt chỉ tiêu năm 2014 tăng trưởng 10%, sẽ phát sinh các yếu tố con người, máy móc… Do vậy, doanh nghiệp phải tính toán, cân bằng các yếu tố này trước khi đi đến quyết định nên đầu tư thế nào cho hợp lý, tránh dôi dư nhân công hoặc lãng phí công suất khi lắp đặt dây chuyền không phù hợp…”, ông Sang phân tích.
Là một tổng công ty với hệ thống doanh nghiệp thành viên đông đảo, nhưng bằng nhiều phương pháp quản trị tốt, Liksin đã thể hiện được vai trò đầu tàu, giúp cả hệ thống hoạt động hiệu quả. Mới đây, thông qua “Chương trình marketing sản phẩm mục tiêu”, trong đó tổng công ty đứng ra làm đầu mối liên kết đã tiết giảm được một loạt chi phí và mang lại hiệu quả cao nhờ không phát sinh quá nhiều bộ phận về nhân sự khi triển khai.
Tùy đặc thù ngành hàng, mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng các giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định rõ năng lực cốt lõi của doanh nghiệp cũng như nhạy cảm thị trường sẽ giúp đưa ra quyết định mang lại hiệu quả cao nhất. Công ty CP hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex với doanh thu trên 550 tỷ đồng/năm, trong đó năng lực xuất khẩu đạt trên 20 triệu USD, với khoảng 1.500 lao động cũng là một minh chứng cho sự đầu tư “chất xám”. Trong những năm khó khăn vừa qua, nhờ áp dụng các giải pháp hiệu quả, doanh nghiệp luôn đảm bảo đơn hàng, thậm chí có những thời điểm các nhà máy phải hoạt động hết công suất mới kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
Mặc dù, trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng, đồng thời luôn bị các đối tác ép giá. Chưa kể, sự “đỏng đảnh” của đồng ngoại tệ cũng khiến không ít doanh nghiệp “sống dở chết dở”. Do đó, để tránh đầu tư dàn trải, doanh nghiệp đã chọn giải pháp tạo vệ tinh gia công với các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước, song song với việc đầu tư máy móc vào những công đoạn chính. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, vừa tạo cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước cùng phát triển. “Tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, bạn hàng không ổn định nên việc đầu tư mở rộng dễ gặp rủi ro. Do đó, việc tạo vệ tinh gia công, đơn vị chỉ đầu tư vào những công đoạn quan trọng. Tuy nhiên, điều này phải được phía đối tác chấp nhận và bản thân doanh nghiệp cũng sàng lọc những doanh nghiệp vệ tinh có chất lượng, uy tín”, Tổng Giám đốc Savimex Bùi Ngọc Quới chia sẻ.
Thay đổi tư duy quản trị
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Điều đó mở ra cơ hội cho một bộ phận doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh hoặc không vướng trở ngại nợ xấu cao, xử lý được nợ xấu, có thể vượt qua đình trệ sản xuất, phục hồi, phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường. Áp lực cạnh tranh vẫn còn rất lớn, có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải rời khỏi thị trường trong năm 2014 nếu như doanh nghiệp không có chiến lược và bước đi phù hợp. Do vậy, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy quản lý trong hội nhập, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực ứng dụng những vật liệu mới. Nhất thiết phải nghĩ đến sự phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, để vượt qua những thách thức của năm 2014, doanh nghiệp phải biết nắm bắt xu thế của thế giới, biết quản trị rủi ro, có tốc độ kết nối vào chuỗi giá trị nhanh và hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong khi đó, theo Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trọng Hiệu, để nắm bắt thời cơ, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp với mình. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp năm 2013 đã tăng nhưng tăng chậm và những yếu tố chính để tạo nên năng lực cạnh tranh vẫn còn rất thấp.
Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp để tiếp cận với không gian kinh tế mở khi các hiệp định được ký kết như Hiệp định TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN... được khởi động. Khi đó các doanh nghiệp sẽ được tự do di chuyển nguồn vốn, đầu tư, dịch vụ, lao động... Tất nhiên, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu rất nhiều thách thức, sức ép khi doanh nghiệp ngoại vào. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu giới thiệu về cơ chế, thách thức, ưu đãi về đầu tư, về nguồn lực từ bên ngoài để doanh nghiệp có sự chuẩn bị và chủ động tiếp cận.
LẠC PHONG