Giải pháp ngoài luật

Cho rút bảo hiểm một lần hay không, rút như thế nào, nếu không cho rút thì cần điều chỉnh chính sách khác như thế nào… là những vấn đề tháng 6-2024, khi Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, mới có câu trả lời cuối cùng.

Nhưng dù câu trả lời như thế nào đi nữa thì chắc chắn cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho biết, giai đoạn 2016-2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Trong số này, có gần 1,3 triệu người quay lại, tiếp tục tham gia. Như thế, khoảng 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hẳn hệ thống trong 7 năm qua. Thậm chí, như ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cảnh báo tại phiên họp toàn thể của Quốc hội hôm qua (23-11), có thể sẽ có một làn sóng rút tiếp BHXH một lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này.

Không phải không biết những thiệt thòi cho cá nhân mình về lâu về dài, cũng như sự bất ổn của quỹ BHXH khi rút BHXH một lần, nhưng hàng triệu người lao động vẫn lựa chọn từ bỏ hệ thống BHXH, vì áp lực tài chính trong ngắn hạn và thiếu niềm tin dài hạn về tính an toàn, bền vững của hệ thống BHXH.

Để giải quyết căn cơ 2 nguyên nhân này, việc chỉ sửa đổi riêng Luật BHXH là chưa đủ. Tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế hỗ trợ khác; phát triển các hình thức tín dụng vi mô để người dân dễ dàng tiếp cận, rất có thể họ sẽ không phải lựa chọn “gặt lúa non” BHXH, bất chấp tương lai mờ mịt của tuổi già.

Tin cùng chuyên mục