Giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành: Phải đảm bảo ổn định cho người dân

Ngày 30-10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân”. Nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ những vấn đề xung quanh xây dựng khung chính sách cho dự án đặc biệt quan trọng này.

Ngày 30-10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế đặc thù đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân”. Nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ những vấn đề xung quanh xây dựng khung chính sách cho dự án đặc biệt quan trọng này.

Tách bồi thường, tái định cư thành tiểu dự án riêng

Theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, hỗ tợ tái định cư bước 1 đối với 2.750ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cần có thời gian ít nhất 3 năm. Như vậy, để dự án sân bay Long Thành đủ điều kiện khởi công vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 như kế hoạch đã đề ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện ngay từ bây giờ. UBND tỉnh Đồng Nai vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập, bắt đầu từ cuối năm 2015.

Cũng theo ông Đinh Quốc Thái, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Thủ tướng cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện với tổng số vốn bước 1 khoảng 11.266 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng 2.750ha và xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; đồng thời cho phép áp dụng phương thức chỉ định thầu đối với các gói thầu đầu tư xây dựng hạ tầng đối với hai khu tái định cư Bình Sơn và Lộc An - Bình Sơn để kịp bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc dự án. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Trong đó, đề xuất mức hỗ trợ bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của UBND tỉnh Đồng Nai, các hộ dân nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được hỗ trợ bằng 0,5 lần. Ngoài ra, các điều kiện bố trí lại đất ở trong khu tái định cư, các hỗ trợ về giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động cũng được tỉnh Đồng Nai xây dựng chi tiết.

Đền bù cho dân phải khác cho nhà đầu cơ

Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM  cho rằng, điều đáng quan tâm nhất trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ trong dự án này là, ngoài đất của dân đang sinh sống còn có số lượng lớn đất của các nhà đầu cơ, do đó chính sách đền bù cho người dân phải khác chính sách đền bù cho nhà đầu cơ, không nên đền bù theo kiểu tiền trao cháo múc như lâu nay vẫn làm.

Theo TS Trần Du Lịch, phải nghiên cứu làm sao cho phần hỗ trợ lớn hơn phần đền bù, như hỗ trợ về tái định cư, hỗ trợ về đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm… để đảm bảo người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thực sự được hưởng lợi. Vì vậy, khung chính sách cần tập trung làm rõ việc bố trí tái định cư có gắn với việc quy hoạch đô thị cảng hay không? Trong tương lai, người nông dân mất đất có thành người đô thị cảng hay không?... Từ đó có hướng đào tạo, lộ trình đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong độ tuổi lao động một cách hợp lý.

Các chuyên gia tham dự hội thảo băn khoăn về nguồn vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư quá lớn. TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gợi ý, có thể phát hành một loại trái phiếu cho chính những hộ dân được đền bù.

Tại hội thảo, vấn đề tính giá đất bồi thường và giải quyết khiếu nại được các chuyên gia đặc biệt quan tâm, nêu ý kiến. Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, vấn đề các dự án lớn thường gặp phải chủ yếu là khiếu nại về giá đất bồi thường. Do vậy, với dự án đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến gần 4.730 hộ dân như dự án xây dựng sân bay Long Thành, cần xã hội hóa trong việc định giá đất, có thể cho phép người dân mời đơn vị tư vấn nhà đất đủ năng lực tham gia để có một hội đồng định giá cũng như giải quyết khiếu nại khách quan, phù hợp. Bên cạnh đó, cần làm rõ lộ trình để xây dựng hết 5.000ha đất thu hồi, tránh tình trạng đất thu hồi để hoang gây lãng phí tài nguyên.


BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục