Giải quyết cụ thể từng khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 14-8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) đã có buổi làm việc với một số DN tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TPHCM).
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì Ảnh: THANH HẢI
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì Ảnh: THANH HẢI

Đoàn đã tham quan, làm việc với Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì (chuyên sản xuất các loại bột trộn sẵn) và Công ty cổ phần Sài Gòn Food (chuyên về thực phẩm chế biến). Tại đây, đoàn ghi nhận tình hình sản xuất, nỗ lực gắn kết, phân phối sản phẩm vào các thị trường khó tính của từng DN; đồng thời chia sẻ với DN những thuận lợi cũng như khó khăn đang gặp. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 10% trong GRDP, riêng ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm gần 3%. Tuy vậy, khảo sát sơ bộ cho thấy, có đến 85% DN ngành lương thực thực phẩm chưa có nhiều kiến thức trong việc hội nhập với nền kinh tế thế giới. 

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham quan   Công ty Cổ phần Saigon Food         Ảnh: THI HỒNG
 Một trong những khó khăn mà DN vướng phải là chưa tiếp cận được gói kích cầu hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Để đưa được hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại, DN phải “cõng” mức chiết khấu 15% - 35%, dễ triệt tiêu lợi nhuận của DN; hoặc DN bất ngờ bị truy thu thuế từ hàng chục năm về trước; hoặc việc thiếu quỹ đất để phát triển… cũng là bức xúc chung của DN tại buổi gặp gỡ lãnh đạo TP. Ngoài ra, DN còn phải đương đầu với tình trạng hàng giả, hàng nhái, dẫn đến thực tế nhiều DN sẵn sàng đầu tư công nghệ, chi phí lớn để sản xuất hàng xuất khẩu thay vì tiêu thụ nội địa… Đáng chú ý, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm quy định tại Nghị định 09/2016 của Chính phủ đã gây khó khăn cho DN, dù rằng vừa qua FFA, UBND TPHCM cũng đã có văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 


Trao đổi với DN tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định luôn xem trọng hiệp hội ngành nghề, coi đây là kênh kết nối quan trọng giữa DN với chính quyền TP. Bởi thường kỳ, lãnh đạo TP chỉ có dịp gặp gỡ, trao đổi với (DN) định kỳ 1 lần/năm vào dịp đầu năm. Do đó, cơ hội trình bày trực tiếp vướng mắc của DN với lãnh đạo TP không nhiều. Cuộc gặp gỡ trực tiếp như thế này giúp lãnh đạo TP có cơ hội lắng nghe rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của DN, giúp chính quyền TP cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế TP trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, DN đang đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra sản phẩm, nâng cao vị thế của TP. 

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, hiệp hội chính là nơi gắn kết DN, mở rộng cơ hội giao thương giữa các DN trong ngành, mà hạn chế lớn nhất của DN nước ta hiện nay chính là tính liên kết. Thực tế, các DN đầu đàn, DN mạnh của TP chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong khoảng 6.000 DN, chỉ có khoảng vài trăm DN có vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Chính những DN đầu đàn khi kết nối với DN nhỏ sẽ tạo thành nguồn lực phát triển rất mạnh. Cho nên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong mong hiệp hội hãy giúp TP tăng cường sự phối hợp, liên kết, lắng nghe, tập hợp các ý kiến của DN để phản ánh với những người có trách nhiệm của TP. 

Kết thúc buổi gặp gỡ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công thương cùng với FFA, Sở KH-CN, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm nên có chương trình hợp tác cụ thể về những vấn đề cần phải giải quyết. Hội đề đạt kiến nghị gì, Sở Công thương cần xem xét hoặc có kiến nghị với UBND TP về những vấn đề này. Giải quyết phải đi thẳng trọng tâm, không lan man, chọn những vấn đề “nóng”. Chẳng hạn như, gắn kết ngành cơ khí với phát triển ngành lương thực thực phẩm, qua đó có thể thay thế phần nào máy móc nước ngoài, như chia sẻ của một DN rằng, họ đang sản xuất máy móc rẻ hơn sản phẩm Trung Quốc với chất lượng tương đương hàng Nhật Bản. Bản thân DN này cũng đang gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nên hoàn toàn đủ năng lực hỗ trợ các DN trong nước có nhu cầu. Đáng chú ý, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng trao đổi thẳng thắn rằng, DN hoàn toàn có thể chủ động đặt hàng các sở ngành hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, thông qua FFA làm đầu mối tập hợp ý kiến. DN nên đi vào từng vướng mắc cụ thể, cần hỗ trợ thế nào... TP luôn lắng nghe, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển. 

Quỹ đất dành cho các khu công nghiệp của TP có thể lên tới 6.000ha vào năm 2020 (hiện tại khoảng 4.000ha). TP sẽ dành một khu đất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đối với các KCN hiện nay, nhất là KCN có vốn đầu tư nước ngoài, TP chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Riêng bài toán “khát vốn” cho DN, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong gợi ý, FFA nên có buổi gặp gỡ, kết nối trực tiếp với ngân hàng. TP cũng sẽ trao đổi thêm với Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM để tìm hướng ra cho DN. 

Tin cùng chuyên mục