Tính giá điện mới bằng phương pháp nội suy, EVN cam kết:

Giải quyết khiếu nại theo hướng có lợi nhất cho khách hàng

Số điện thoại “nóng” của 15 Điện lực khu vực thuộc Công ty Điện lực TPHCM

Ngoài vài triệu khách hàng được chốt chỉ số điện trên điện kế vào thời điểm 1-1-2007, cả nước còn trên 10 triệu khách hàng với khoảng 13 triệu điện kế không được chốt chỉ số vào thời điểm “giao thời” mà thay vào đó ngành điện áp dụng phương pháp nội suy để tính giá điện mới. Với cách tính này, khách hàng có bị thiệt?

  • Hơn 10 triệu khách hàng không được chốt chỉ số điện

Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM (ĐL) Nguyễn Văn Lý cho biết, dù đã cố gắng hết sức, tung toàn bộ nhân viên ghi điện và cán bộ ngành điện ra quân trong ngày 1-1 (hơn 1.500 người) nhưng Công ty ĐLTP cũng chỉ có thể chốt chỉ số của khoảng 70 ngàn điện kế. Đây là những trường hợp thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt (dịch vụ, sản xuất…).

“Vẫn còn hơn 1,3 triệu điện kế điện của khách hàng sử dụng với mục đích sinh hoạt không thể chốt chỉ số điện mà phải xác định sản lượng điện để tính theo giá cũ, giá mới bằng phương pháp nội suy. Bởi với lượng khách hàng lớn như vậy, dù có huy động hết quân số ngành điện TP cũng phải mất tối thiểu 20 ngày mới chốt xong chỉ số điện kế và như vậy thì chủ trương tăng giá điện kể từ ngày 1-1-2007 sẽ thực hiện không đúng tiến độ” -ông Lý nói.

Vậy phương pháp nội suy để xác định sản lượng điện của khách hàng được ngành điện thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Văn Lý dẫn chứng: Nếu khách hàng có ngày ghi điện là ngày 20 hàng tháng thì khách hàng này có 11 ngày sử dụng điện theo giá cũ (từ ngày 21-12-2006 đến ngày 1-1-2007) và 20 ngày sử dụng điện theo giá mới (từ ngày 1-1-2007 đến ngày 20-1-2007).

Theo phương pháp nội suy thì lượng điện theo giá cũ sẽ bằng lượng điện tiêu thụ trung bình ngày (được tính bằng tổng điện năng tiêu thụ trong tháng 12 chia cho 31 ngày-tháng 12 có 31 ngày) nhân với 11 ngày. Lượng điện theo giá mới sẽ bằng lượng điện tiêu thụ trong tháng trừ đi lượng điện theo giá cũ. Ông Lý cũng cho biết tất cả thông tin về lượng điện năng và số tiền tính theo giá điện cũ và lượng điện năng và số tiền giá điện mới mà khách hàng phải trả đều được thể hiện rõ trên phiếu thông báo tiền điện gửi cho khách hàng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết phương pháp tính nội suy được áp dụng đối với tất cả các công ty điện lực thành viên của EVN với hơn 10 triệu khách hàng trong cả nước (khoảng 13 triệu điện kế).

  • Mong khách hàng thông cảm

Giải thích về việc vì sao ngành điện phải áp dụng phương pháp nội suy để tính giá điện mới, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là phương pháp phù hợp và tối ưu nhất hiện nay. “Vẫn biết chốt chỉ số điện là phương án tốt nhất nhưng làm được điều ấy là không tưởng.

Thực tế là chúng tôi đã áp dụng phương pháp tính nội suy trong tất cả những lần tăng giá điện trước đây và chưa gặp phải sự phản ứng nào từ phía khách hàng. Chúng tôi thừa nhận có thể phương pháp tính này chỉ tương đối chính xác nhưng ngành điện vẫn mong khách hàng thông cảm và ủng hộ” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chiều qua 3-1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Lộc -Trưởng Ban kinh doanh và điện nông thôn của EVN cho biết trên thực tế việc áp dụng phương pháp tính nội suy không phải lúc nào khách hàng cũng bị thiệt mà tuỳ thuộc vào việc khách hàng sử dụng điện nhiều hay ít trước và sau khi tăng giá điện mới.

Theo ông Lộc thì khách hàng sẽ được lợi nếu trong tháng 12-2006 điện năng sử dụng của họ ít và những ngày đầu tháng 1-2007 họ sử dụng nhiều điện năng còn ngược lại thì khách hàng cũng có thể bị thiệt thòi chút ít. “Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các công ty thành viên trực tiếp giải thích, giải quyết theo hướng có lợi nhất cho khách hàng nếu khách hàng có khiếu nại, thắc mắc về việc áp dụng giá cũ, giá mới” -Phó Tổng Giám đốc EVN nói. Riêng tại Công ty ĐLTPHCM, ông Nguyễn Văn Lý cho biết đã chỉ đạo các điện lực khu vực trực thuộc công bố các số điện thoại “nóng”, bố trí nhân viên sẵn sàng trả lời và giải quyết tất cả các khiếu nại của khách hàng.

CÔNG QUỐC

Số điện thoại “nóng” của 15 Điện lực khu vực thuộc Công ty Điện lực TPHCM

Điện lực Sài Gòn: 2100417, 2100518; Điện lực Chợ Lớn: 2122700, 2120333; Điện lực Gia Định: 2160276, 2160475; Điện lực Gò Vấp: 2164220, 2164230; Điện lực Phú Thọ : 2150213, 2150234; Điện lực Tân Bình: 2172287, 2172426; Điện lực Tân Phú: 2178282, 2178321; Điện lực Bình Phú: 2125232, 2125216; Điện lực Tân Thuận: 2115562, 2115219; Điện lực Thủ Đức: 2180203, 2180229; Điện lực Thủ Thiêm: 2105214, 2105213; Điện lực Hóc Môn: 2155218, 2155230; Điện lực Củ Chi: 2184382, 2184383; Điện lực Bình Chánh: 2182218, 2182211; Điện lực Cần Giờ : 2188289, 2188258.

Tin cùng chuyên mục