Giải quyết ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở thu mua phế liệu

Bừa bãi, lộn xộn, phế liệu chất đống thành các bãi lớn ở vỉa hè, ven đường là thực trạng đang diễn ra tại nhiều cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn TPHCM. Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà các cơ sở thu mua phế liệu còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Nhếch nhác

Có mặt tại cơ sở thu mua phế liệu nằm trên đường Thạnh Xuân 25 (phường Thạnh Xuân, quận 12), hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là bìa cạc tông, ống nước, bình gas, ti vi, quạt điện, hộp xốp, chai lọ, sắt vụn... chất thành đống lộn xộn, để vương vãi trên mặt đất. Cơ sở thu mua phế liệu này nằm sát cạnh ao nước trong khu dân cư nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của những hộ dân xung quanh. Ngoài ra, cơ sở này không trang bị bất kỳ một thiết bị PCCC nào. Theo phản ánh của người dân sống trong khu vực, cơ sở này thường xuyên bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường khi các loại rác thải được đổ xuống ao nước. Sự việc đã được phản ánh nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Bà con còn nơm nớp lo sợ vì nguy cơ cháy nổ luôn hiển hiện, do hầu hết phế liệu là chất dễ cháy.

Phường Thạnh Lộc, quận 12 là một trong những địa phương có khá nhiều cơ sở thu mua phế liệu. Phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ chủng loại như bao bì, giấy, sắt, thép, nhựa, ni lông... nằm la liệt từ trong ra ngoài. “Trước khu nhà tôi có một cơ sở thu mua phế liệu, đường sá lúc nào cũng trông hết sức nhếch nhác vì phế liệu nằm vương vãi khắp nơi. Chưa kể hàng ngày, xe tải ra vào vận chuyển phế liệu gây ồn ào, chất phế liệu cồng kềnh rất mất an toàn”, anh Nguyễn Văn Nam (nhà trên đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12) bức xúc nói.

Dạo quanh các ấp của xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, không khó để bắt gặp những cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư. Tại đây, phế liệu được tập kết tạm bợ, lối đi nhỏ hẹp, hệ thống dây điện chằng chịt, sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Mặt khác, phế liệu được để ngoài trời nên khi mưa xuống, nước chảy tràn lên phế liệu có lẫn các loại chất thải khác nhau, kể cả chất thải nguy hại. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng quy định, vì thế nước thải chảy ra môi trường hoặc thấm vào lòng đất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống trong khu vực.

Chưa tuân thủ quy định

Thu mua phế liệu có mặt tích cực là góp phần giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu ích, giảm lượng rác thải phải xử lý. Tuy nhiên, nếu không làm tốt công tác quản lý, ngành nghề này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đời sống cộng đồng. Thực tế, hầu hết các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố hiện chưa tuân thủ quy định của Nhà nước về các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ...

Ông Nguyễn Văn Út, Trưởng ấp Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, cho biết, trên địa bàn ấp có 4 cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đang hoạt động. Hàng ngày, các gia đình này thu mua giấy, sắt vụn về tập kết trong nhà, sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế lớn hơn. Để hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu này không ảnh hưởng đến cuộc sống những hộ xung quanh, chính quyền ấp thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở trang bị thiết bị PCCC, tập kết phế liệu gọn gàng...

Ông Từ Tấn Ninh, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc, quận 12, thông tin, trên địa bàn phường Thạnh Lộc hiện có 16 cơ sở thu mua phế liệu đang hoạt động. Mặc dù đây là ngành nghề thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thế nhưng mới chỉ có 3/16 cơ sở thu mua phế liệu được cấp phép hoạt động. Phường thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về việc các cơ sở thu mua phế liệu để phế liệu tràn ra đường gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường. Khi nhận được thông tin, UBND phường Thạnh Lộc cho cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, xác minh và xử lý ngay. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức lập biên bản và yêu cầu các chủ cơ sở phải khắc phục sai phạm vì lỗi của họ chưa đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, nhiều hộ thu mua phế liệu là dân nhập cư, đời sống rất khó khăn, đến phường thuê trọ để hành nghề thu mua phế liệu nên khó xử lý.

Tin cùng chuyên mục