Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006 - 2011): Khích lệ lớn giới văn nghệ sĩ

Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006 - 2011): Khích lệ lớn giới văn nghệ sĩ

Để khuyến khích hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, TPHCM có nhiều loại giải. Nhiều cuộc thi sáng tác chuyên ngành hoặc liên ngành về những đề tài khác nhau được tổ chức thường xuyên. Hàng năm, các hội chuyên ngành cũng trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm. Nhưng ở cấp độ thành phố, Giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006 - 2011) là lần đầu tiên, với mục đích tôn vinh những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó ưu tiên cho các tác phẩm lấy đề tài về TPHCM.

Sau các vòng sơ khảo, chung khảo, 49 tác phẩm đã được chọn lọc để trao giải thưởng. Riêng lĩnh vực văn học, 5 tác phẩm được giải lần này là: Mùa hè giá buốt của Văn Lê (giải nhất), Thế giới xô lệch của Bích Ngân (giải nhì), Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương (giải ba), Đất thở của Thạch Cương và Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang (cùng giải khuyến khích).

Các tác phẩm trên đều là tiểu thuyết và phần lớn phản ánh hiện thực năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua. Với những tác phẩm viết về đời sống đương đại thì sự liên hệ giữa hiện tại với quá khứ cũng khá đậm đặc. Qua những tác phẩm này người đọc thấy một bức tranh đa diện, phong phú và sâu sắc về những ngày đã qua, trong tương quan với hiện tại.

Những tác phẩm văn học đoạt giải cao.

Những tác phẩm văn học đoạt giải cao.

Dù trở lại với cuộc Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 hay Đại thắng Mùa xuân 1975; dù hiện thực được tái hiện là khu vực nội thành hay vùng đất ngoại ô; dù các nhân vật là bộ đội, giao liên, chiến sĩ biệt động, sinh viên, người nghệ sĩ… tất cả đều liên quan mật thiết với những vấn đề nóng của đời sống hiện nay, khơi gợi những suy ngẫm về lý tưởng, về chiến tranh và hòa bình, gợi nhớ khí thế cách mạng của một thời kỳ kháng chiến cứu nước đầy hào hùng, cả những khúc bi tráng, luôn luôn cháy sáng và không phai mờ trong lịch sử dân tộc và đời sống của thành phố. Tuy nhiên, ở phía sau hay cùng song hành với thực tế ấy, là những tiêu cực nảy sinh, những hy sinh mất mát đầy xót xa, những ấu trĩ không đáng có, tất cả làm cho bức tranh đời sống ấy thực hơn và giá trị hơn. Điều đó càng tôn vinh thêm tinh thần quả cảm, phẩm chất anh hùng, sức mạnh tình yêu trong môi trường thời kháng chiến gian khổ.

Nhiều sự kiện trong các tác phẩm với độ lùi ba, bốn mươi năm là khoảng thời gian cần thiết để cho ta nhìn vấn đề toàn diện và đầy đủ hơn. Và thắng lợi của đổi mới, chuyển động của thời đại, tạo thêm những thuận lợi giúp nhà văn thể hiện ý tưởng của mình. Trong Mùa hè giá buốt, Đêm Sài Gòn không ngủ hay trong Đất thở, Xuân Lộc đều có những trang như thế.

Riêng tiểu thuyết Thế giới xô lệch theo hướng triển khai hơi khác. Mạch truyện đi sâu vào cuộc sống của một gia đình hôm nay, với những va đập nhiều chiều, tạo những “xô lệch” từ nhiều phía, gây nên những đổ vỡ trong tâm hồn, trong ứng xử, khiến con người cảm thấy bức bối vì bị cầm tù trong bi kịch. Qua tác phẩm, người đọc có thể hiểu rằng, bản lĩnh của trí tuệ, của tình yêu và sự kết nối huyết thống, là nền tảng giúp ta tìm lại sự cân bằng. Cấu trúc gọn, tiết tấu nhanh trong tác phẩm này tạo cảm giác hiện đại về phong cách viết. Trong khi đó bút pháp hiện thực nghiêm nhặt pha chút hư ảo tâm linh trong Mùa hè giá buốt tạo hiệu quả sâu về sự ám ảnh nơi người đọc.

Nếu như tác giả Đất thở thích sử dụng phương thức truyền thống khi miêu tả đời sống, phân tích tâm lý, khắc họa tính cách nhân vật với nhịp văn chậm, kỹ lưỡng, tỉ mỉ thì tác giả của Xuân Lộc dường như quan tâm nhiều đến chất tư liệu và tranh biện, như muốn đưa người đọc tiếp cận nhiều chiều hơn khi nhận thức cuộc chiến thông qua một trận đánh then chốt. Rồi cảm xúc dào dạt trong Đêm Sài Gòn không ngủ lại có sức cuốn hút và cảm hóa người đọc hướng tới những ý tưởng tốt đẹp mà tác giả muốn gởi gắm.

Đây là lần đầu Đảng bộ và chính quyền thành phố trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc nhất của hội viên các hội chuyên ngành trong Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Việc làm này không chỉ là cách ghi nhận thành tựu, tài năng và tâm huyết của giới văn học nghệ thuật mà còn là sự khích lệ lớn lao đối với anh chị em văn nghệ sĩ trong việc sáng tạo giá trị tinh thần, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thưởng thức cái đẹp của quần chúng nhân dân. Hy vọng những lần sau, kết quả sẽ tốt hơn, đa dạng hơn và riêng trong lĩnh vực văn học, những tác phẩm xuất sắc nhất được giải không chỉ có tiểu thuyết mà còn có truyện ngắn, thơ và cả lý luận phê bình. 

LÊ QUANG TRANG
(Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM)

Tin cùng chuyên mục