Tối 19-11, tại Hội trường Thống Nhất, Báo SGGP, Sở GD - ĐT TPHCM và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 14 – năm 2011. Đến dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển, Giám đốc Sở GD - ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn và đông đảo thầy cô giáo cùng các em học sinh đến chia vui cùng 30 thầy cô giáo vinh dự nhận giải thưởng cao quý.
Nước mắt và niềm vui
Hội trường Thống Nhất dường như quá chật hẹp và tưởng chừng vỡ òa trong niềm vui của các thầy cô, học trò cùng người thân trong đêm trao giải. Cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, đến với buổi lễ trao giải với rất nhiều tâm trạng. Mặc dù có tên trong danh sách 30 giáo viên đoạt giải thưởng Võ Trường Toản nhưng cô quyết định không đến dự vì lo lắng chồng đang nhập viện.
Mãi đến gần giờ trao giải, chồng cô động viên hai mẹ con đến dự cùng với sự ủng hộ của tập thể hơn 20 đồng nghiệp tổ Văn - Sử - Địa ở trường nơi cô đang công tác, hai mẹ con mới quyết định đến Hội trường Thống Nhất. Con gái cô, bé Lê Nguyên Dung cho biết, hai mẹ con chưa kịp ăn gì nhưng tối nay nhất định phải đến dự lễ để trong bệnh viện ba có thể nhìn thấy hai mẹ con qua sóng truyền hình.
Đội “cổ động viên” đặc biệt nhất phải kể đến là 8 thầy ở chùa Từ Quang (Thủ Đức), cựu học sinh của cô Trương Vy Việt Huyền, giáo viên Trường THPT Thủ Đức, đã vượt quãng đường dài hơn 20 cây số đến chia vui với cô trong đêm trao giải. Thầy Thiện Tánh, một trong những học trò cũ của cô Việt Huyền cho biết: “Cả nhóm hẹn nhau đi từ lúc 5 giờ, chỉ kịp mua hoa từ Thủ Đức vội vã bắt xe buýt đến đây. Đường kẹt xe nên đến hơn 7 giờ cả nhóm mới đặt chân đến Hội trường Thống Nhất. Nhưng do không có thư mời, nên mọi người phải đứng bên ngoài gọi điện, chờ cô đến”.
Ở một góc kín đáo khác, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt lặng lẽ rơi của bà Trần Thị Thông, mẹ của thầy Võ Đức Thịnh, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn vượt quãng đường xa xôi từ Lái Thiêu lên chia vui cùng con trai trong đêm trao giải. Nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc tràn đầy trên nét mặt người mẹ già.
“Tình cảm của trò níu giữ bước chân cô”
Với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, các thầy cô giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản đã xúc động ôn lại những kỷ niệm khó quên về nghề. Cô giáo Trần Thị Bình, Trường Chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú) hơn 20 gắn bó với nghề dạy học, chăm sóc trẻ khuyết tật thổ lộ: Giảng dạy trong môi trường với đối tượng là các em khuyết tật “càng đặc biệt khó khăn”. Nghẹn lời, cô kể rằng: “Quá mệt mỏi, nhiều lần định bỏ cuộc nhưng lại không yên lòng khi thấy những em bé đáng thương cứ quấn quýt quanh mình. Tôi cảm thấy mình phải làm cái gì đó để giúp trẻ”... Rồi cứ vậy, cô đã gắn bó với các em như người mẹ trong gia đình.
Còn cô Phạm Thị Thanh Phi, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 9), trong suốt 15 năm qua, hàng ngày đã vượt quãng đường gần 40km để đến với các em học sinh của mình. Cũng chính tình cảm của học sinh đã níu giữ chân cô. “Đầu tiên là những ánh mắt ham học của các em nhìn tôi khi nghe tôi giảng bài, rồi những nét mặt rạng rỡ háo hức lộ rõ khi tự mình đọc được chữ, ghép được từ và viết được những gì mình thích” - cô Thanh Phi bộc bạch. Thương mến, gắn bó với cô giáo nên không ít học trò lớp 1 đã từng bật khóc khi biết mình sắp lên lớp 2 và không được học cô nữa.
Cô Phi thổ lộ: Chính tấm lòng yêu trẻ và sự kiên trì nhẫn nại của người thầy sẽ làm cho công tác giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học sinh càng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, làm sao cho cả thầy và trò đều cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Ông Thái Nhi Đức, Trưởng đại diện Tập đoàn Prudential Việt Nam cho biết: Prudential Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành trong việc tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản. Suốt 14 năm qua, trong khuôn khổ giải thưởng này, hơn 430 thầy cô giáo ưu tú của ngành đã được tôn vinh. Điều này càng khiến chúng tôi thêm tự hào về những đóng góp của Prudential cho lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động cộng đồng đa dạng, trong đó giáo dục là một trong 3 ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong đã nhắc lại lời dạy của cha ông: “Không thầy đố mày làm nên” và khẳng định ở thời đại nào, hình ảnh người thầy giáo cũng luôn được xã hội kính trọng, tri ân. Nhận thức rõ điều đó và ý thức trách nhiệm của một tờ báo Đảng, Báo SGGP đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều đóng góp xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất trong ngành giáo dục TPHCM”.
Lê Linh - Thu Tâm