Giảm bớt gánh nặng bệnh đái tháo đường

Giảm bớt gánh nặng bệnh đái tháo đường

Trong nhiều năm qua, phương pháp chữa trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện để giải quyết những khó khăn về sự gia tăng của bệnh. Việc kiểm soát bệnh ĐTĐ tuýp 2 thành công sẽ đóng góp đáng kể trong việc giảm các bệnh mãn tính khác, do các bệnh này có cùng yếu tố nguy cơ, các yếu tố quyết định trong tiến triển bệnh và cơ hội can thiệp.

Vừa qua, tại Hà Nội và TPHCM đã diễn ra “Tuần lễ thay đổi bệnh ĐTĐ” với nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày ĐTĐ thế giới (14-11). Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ĐTĐ của người dân, cũng như cung cấp tư vấn và tầm soát bệnh miễn phí. Thống kê từ ban tổ chức, mỗi ngày đã có hàng ngàn người tham dự tại hai đầu của Làng “Thay đổi bệnh ĐTĐ” ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội (từ ngày 6 đến 14-11) và Nhà thi đấu Nguyễn Du, TPHCM (từ ngày 11 đến 14-11). Những hoạt động này phần nào đã giúp định hình một hướng đi cho tương lai giảm bớt gánh nặng bệnh ĐTĐ tại Việt Nam.

Lễ ký kết bản ghi nhớ của chương trình Chăm sóc đái tháo đường Việt Nam.

Lễ ký kết bản ghi nhớ của chương trình Chăm sóc đái tháo đường Việt Nam.

Được biết, đây là một phần của kế hoạch hành động trong “Chương trình chăm sóc ĐTĐ” do Bộ Y tế hợp tác cùng Tập đoàn Dược phẩm Novo Nordisk của Đan Mạch thực hiện trong 3 năm, từ 2012 - 2015. Bên cạnh việc hoạt động này, ban tổ chức chương trình đã khánh thành hàng loạt trung tâm “Chăm sóc ĐTĐ” tại các bệnh viện lớn trong cả nước như BV Nội tiết Trung ương, BV Chợ Rẫy… nhằm tập huấn cho 2.000 bác sĩ chuyên về ĐTĐ trong 3 năm tới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ĐTĐ đang ngày càng tăng cao.

Cũng trong dịp này, các xe lưu động “Thay đổi bệnh ĐTĐ” với chức năng tư vấn và tầm soát bệnh miễn phí đã được khai trương và lên kế hoạch đi về các tỉnh phụ cận nhằm tăng cường tầm soát bệnh cho người dân ở xa, hoặc không có điều kiện đi khám tại Làng “Thay đổi bệnh ĐTĐ” hoặc tại các bệnh viện trung tâm thành phố.

Theo công bố của Hiệp hội ĐTĐ Thế giới IDF Diabetes Atlas, trong năm 2011 Việt Nam có 1,7 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, tương tương 3,2% dân số trưởng thành có độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi. Dự đoán đến năm 2030, số người bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên 3,1 triệu người. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong nước gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ thực chất cao hơn, dữ liệu năm 2009 từ TPHCM chỉ ra rằng tỷ lệ này đã gần 11%. Các chuyên gia tin rằng có gần 5 triệu người bị ĐTĐ, mặc dù hơn 60% vẫn chưa được chẩn đoán. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức và đa số bệnh nhân đều không đạt được mục tiêu điều trị. Những dữ liệu này cũng chỉ ra rằng cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng của bệnh ĐTĐ.

ĐTĐ là tình trạng mãn tính do lượng đường huyết (glucose) cao bất thường trong máu. Insulin sản xuất bởi tụy giúp hạ thấp đường huyết. Khi insulin không được tiết ra hoặc giảm tiết sẽ gây ra bệnh ĐTĐ. Ba loại ĐTĐ thường gặp là ĐTĐ tuýp 1, tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ. Triệu chứng của bệnh là đi tiểu nhiều, khát nước, hay đói bụng và mệt mỏi. Bệnh được phát hiện bằng cách thử đường huyết (glucose) trong máu. Bệnh thường có những biến chứng tức thời và biến chứng kéo dài. Biến chứng tức thời bao gồm đường huyết tăng cao nguy hiểm, hạ đường huyết bất thường. Những biến chứng lâu dài bao gồm các bệnh mạch máu (mạch máu lớn và mạch máu nhỏ) gây nguy hại đến bàn chân, mắt, thận, thần kinh và tim mạch, dẫn đến các rối loạn đa chuyển hóa.

Các phương pháp điều trị ĐTĐ phụ thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. ĐTĐ tuýp 1 điều trị với insulin, tập luyện thể dục, và chế độ ăn kiêng riêng cho bệnh ĐTĐ. Tuýp 2 được chữa trị thời gian đầu với việc giảm cân, chế độ ăn kiêng riêng cho bệnh ĐTĐ và tập luyện thể dục. Khi những phương pháp trên không thể kiểm soát được sự tăng đường huyết nữa, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc uống. Nếu thuốc vẫn không đáp ứng tốt, phương pháp trị liệu với insulin sẽ cần thiết. ĐTĐ thai kỳ sẽ được chữa trị với ăn kiêng và tập thể dục. Nếu những phương pháp trên không thể kiểm soát đường huyết tăng, insulin sẽ được sử dụng. 

NGỌC BẢO

Tin cùng chuyên mục