Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Đến năm 2025, tình trạng giao thông tại TPHCM sẽ ổn định

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, TPHCM đang tập trung thực hiện hàng loạt dự án. Tới năm 2025, khi có các tuyến đường vành đai 2, 3, tuyến quốc lộ, trục quốc lộ kết nối TP với khu vực, TP tổ chức lại giao thông, tổ chức lại không gian đô thị, thì sẽ giảm ùn tắc.

Ngày 13-7, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX, là phần đăng đàn của Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Lâm.

Đại biểu (ĐB) Thi Thị Tuyết Nhung hỏi, đến bao giờ TPHCM xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như: nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, dự án cải tạo giai đoạn 2 đường Huỳnh Tấn Phát, dự án cầu Thủ Thiêm 2?

Đánh giá kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân, ĐB Nguyễn Minh Nhựt hỏi: “Định hướng phát triển giao thông đô thị đến năm 2025 thế nào để xóa bỏ nỗi ám ảnh trên?”.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Đến năm 2025, tình trạng giao thông tại TPHCM sẽ ổn định ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt chất vấn Sở Giao thông Vận tải. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Lâm cho rằng đây là câu hỏi rất lớn, nhiều đô thị trên thế giới phải đối diện. Ông Lâm cho biết, TPHCM đang tập trung thực hiện hàng loạt dự án. Tới năm 2025, khi có các tuyến đường vành đai 2, 3, tuyến quốc lộ, trục quốc lộ kết nối TP với khu vực, TP tổ chức lại giao thông, tổ chức lại không gian đô thị, thì sẽ giảm ùn tắc. “Theo kịch bản, đến năm 2025, tình trạng giao thông sẽ ổn định”, ông Trần Quang Lâm cho hay.

Theo ông Trần Quang Lâm, riêng việc chiếm dụng mặt đường, để vận chuyển 1 người thì xe máy chiếm 5 lần so với xe buýt, xe con chiếm 8,5 lần so với xe buýt. Vì vậy bắt buộc phải phát triển giao thông công cộng và song song đó là giảm xe cá nhân.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Đến năm 2025, tình trạng giao thông tại TPHCM sẽ ổn định ảnh 2 Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về các dự án giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM cho biết, từ nay đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành 22 dự án, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án. Trong đó, ngành tập trung vào các tuyến đường hướng tâm, là các quốc lộ kết nối TPHCM với các vùng và các tuyến đường cụm sân bay, cảng Cát Lái.

Riêng nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, dự án đang tổ chức đấu thầu, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công và hoàn thành vào quý 1-2021. Với đường Huỳnh Tấn Phát, là tuyến đường vận tải lớn, có hướng trục nối trung tâm TP với huyện Nhà Bè, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1. Giai đoạn 2 dự án đã duyệt thiết kế, đang tổ chức đấu thầu, chậm nhất là tháng 12-2019 sẽ khởi công. Theo ông Lâm, công việc chủ yếu của công trình là hiện đại hóa mặt đường, làm lại hệ thống thoát nước, không có bồi thường giải phóng mặt bằng nên tiến độ sẽ nhanh hơn.

Về cầu Thủ Thiêm 2, ông Lâm cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2020 hoàn thành 4 cây cầu để phục vụ sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 2 là cầu dây văng rất đẹp, không chỉ là điểm nhấn giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nêu thực trạng các bãi giữ xe cá nhân trên địa bàn TPHCM hiện chỉ đảm bảo được 1% nhu cầu. Trong khi đó, TP có 4 bãi xe ngầm theo hình thức xã hội hóa nhưng những dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Giải pháp gì để tháo gỡ? Cùng đó, ĐB Tố Trâm chất vấn về kết quả sau 3 tháng Sở GT-VT TPHCM ứng dụng công nghệ thu phí xe đậu lòng lề đường? 

Về việc thu phí đỗ xe lòng lề đường mà đại biểu Tố Trâm hỏi, ông Lâm nói đây là việc hoàn toàn mới, hoàn toàn dùng công nghệ không dùng tiền mặt, thí điểm ở các quận 1, 5, 10. Quá trình triển khai, sau đó từ tháng 5-2019, TP có chủ trương chuyển việc thu phí nhưng hiện nay, có một số vướng mắc: Giải pháp công nghệ chưa cung cấp rộng rãi, hiện chỉ có nhà mạng Viettel làm được; Các loại hình thanh toán khác cũng chưa áp dụng được; Phần mềm giải pháp cũng còn trục trặc; Người hướng dẫn ở hiện trường cũng chưa nhiệt tình. Trong khi đó, rất khó chế tài với những trường hợp phản đối, không đồng ý thu phí. Ông Lâm cho biết, tới đây sẽ xây dựng cơ chế phối hợp xử lý tại hiện trường, xử phạt nguội những trường hợp vào đỗ mà cố tình không nộp phí.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc nêu bức xúc của cử tri quận Thủ Đức về việc chủ đầu tư lấp rạch Ụ Lò ở khu vực phường Hiệp Bình Phước để làm dự án. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến tiêu thoát nước trong khu vực, cử tri bức xúc nêu ý kiến hơn 3 năm nay nhưng tới giờ này chưa được giải quyết.

Đại biểu Ngọc đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở GT-VT TPHCM trong cấp phép công trình này, khi cấp phép có tiến hành khảo sát, đánh giá ảnh hưởng hay không? Quá trình san lấp thì trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát như thế nào; hiện có bao nhiêu dự án mà chủ đầu tư thỏa thuận san lấp đảm bảo thoát nước nhưng không thực hiện?

Trả lời đại biểu Ngọc về san lấp rạch Ụ Lò, ông Trần Quang Lâm cho biết năm 2010, Sở có chấp thuận cho công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sông Đà tạm thời san lấp rạch để thi công và làm cống hộp tạm để thoát nước, giao chủ đầu tư tái lập hiện trạng như trước đây.

Ông Lâm nói Sở GT-VT xin nhận trách nhiệm về thiếu sót của Sở, khi cho phép san lấp tạm thì phải có thời hạn, theo dõi và xử lý. Ông Lâm cũng cho biết trong tháng 7-2019, Sở sẽ chủ động phối hợp với UBND quận Thủ Đức và Sở Xây dựng (hiện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực này) giải quyết dứt điểm việc này.

Tin cùng chuyên mục