Giám sát vợ, con đảng viên để phòng ngừa tham nhũng?

Giám sát vợ, con đảng viên để phòng ngừa tham nhũng?

Nên quy định “Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp do đại hội cùng cấp bầu”, hay quy định “UBKT Trung ương do đại hội toàn quốc bầu? UBKT tỉnh, TP, cấp trên cơ sở và cơ sở do UBKT cấp trên trực tiếp chỉ định?”. Có cần thiết phải giám sát cả vợ (chồng), con cái của các đồng chí cấp ủy viên cùng cấp và thường trực cấp ủy cấp dưới trực tiếp? Đó là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại hội thảo đóng góp dự thảo đề án “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” do UBKT Trung ương vừa tổ chức ở TPHCM.

  • Đại hội đảng cấp nào bầu UBKT?

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ tại TPHCM Phạm Văn Dũng phân tích: “Nên để cho đại hội cùng cấp bầu UBKT vì phát huy được dân chủ cao nhất. Khi thành viên UBKT có vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ được miễn nhiệm, bãi nhiệm để bầu bổ sung người có đủ tiêu chuẩn vào UBKT. Người được bầu sẽ thấy rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, từ đó phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ gìn uy tín của bản thân. Theo phương án này, UBKT các cấp vẫn tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở, cấp trên vẫn quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và tham mưu giúp cấp ủy Đảng cùng cấp, tránh được việc nể nang, thiên vị”.

Giám sát vợ, con đảng viên để phòng ngừa tham nhũng? ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM (bìa phải), giám sát việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo ở quận Gò Vấp.

Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM Lê Hữu Đức góp ý thêm: “UBKT từ tỉnh, thành trở xuống do đại hội bầu xong nên đề nghị cho “nối mạng” để trở thành hệ thống dọc, UBKT đảm trách luôn việc xử lý kỷ luật. Phương án này có thể thực hiện ngay sau đại hội nhiệm kỳ tới. Cơ quan UBKT từ tỉnh, thành phố trở đi là “cơ quan tác chiến” để UBKT TƯ dễ dàng huy động lực lượng từ địa phương này đến địa phương khác. Như vậy sẽ nâng cao hiệu quả, khắc phục được tâm lý e ngại, cản trở cũng như không cần tăng biên chế cán bộ”.

Tuy nhiên, đại diện UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cho rằng: “Phương án UBKT Trung ương do đại hội toàn quốc bầu, đồng thời UBKT tỉnh, TP, cấp trên cơ sở và cơ sở do UBKT cấp trên trực tiếp chỉ định sẽ hiệu quả hơn, vì tăng thẩm quyền và hiệu lực của UBKT các cấp cũng như tạo cho UBKT có tính độc lập cao so với cấp ủy cùng cấp vì chỉ thực hiện các quy định của Điều lệ Đảng. Như vậy sẽ giảm bớt tính hình thức, nể nang, thậm chí là che giấu khuyết điểm của nhau”.

“Nhưng mối quan hệ giữa cấp ủy và UBKT cùng cấp ra sao, cần làm rõ”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Lê Tiến Phương đặt vấn đề.

Giám sát người nhà của cán bộ: Nên hay không nên?

Về vấn đề này, có ý kiến không đồng tình việc giám sát bố (mẹ), vợ (chồng), con của các cấp ủy viên cùng cấp và thường trực cấp ủy cấp dưới trực tiếp, vì như vậy là không phù hợp với nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

“Đảng không thể làm khác quy định của pháp luật, những đối tượng trên nếu không phải là đảng viên thì chúng ta lấy tư cách gì giám sát họ? Nếu họ vi phạm thì đã có pháp luật điều chỉnh, giờ đưa vào nhưng quy trình sẽ phải thực hiện như thế nào đây?”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Phương Thảo băn khoăn.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, bố (mẹ), vợ (chồng), con của cán bộ, đảng viên có chức quyền không thể…giống vợ con của một người dân bình thường! Không ít trường hợp trong gia đình cán bộ, đảng viên có chức quyền: vợ lợi dụng danh nghĩa chồng để thu vén cá nhân; con mượn danh nghĩa bố để “làm ăn”; vợ xúi giục chồng để tham ô; ngay cả vợ con họ dù không cố ý lợi dụng địa vị của chồng, nhưng vẫn được nhiều người “quan tâm” - đơn giản họ là cầu nối với người chồng, người cha trong gia đình.

Hiện nay, luật pháp cấm vợ con cán bộ không được kinh doanh cùng ngành nghề mà người đó quản lý. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức khác nhau, vẫn có cán bộ, đảng viên ngấm ngầm để cho vợ con, anh chị em và người thân đứng tên doanh nghiệp mà thực chất là cán bộ đảng viên đưa vốn để thành lập doanh nghiệp, có khi còn trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh!

Có công ty là “sân sau” do vợ con cán bộ làm chủ, được ưu đãi về vốn, mặt bằng, các hợp đồng có lợi và được sự ủng hộ “ngầm” của họ.

Như vậy, việc giám sát các đối tượng trên là cần thiết, giúp cho cán bộ, đảng viên nêu cao tính gương mẫu và trách nhiệm với gia đình và phòng ngừa từ xa tham nhũng, tiêu cực.

“Vấn đề là cần làm từng bước, trước hết là giám sát các đồng chí cấp ủy viên cùng cấp và thường trực cấp ủy cấp dưới trực tiếp” - ông Phạm Văn Dũng (Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ tại TPHCM) đề xuất.

TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục