Giảm tải, bớt phiền hà bệnh nhân

Theo đánh giá mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại nhiều bệnh viện cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%. Thậm chí tại một số bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa tuyến trung ương ở Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ hài lòng của người bệnh lên tới 95%. 


 

 

Người dân đánh giá mức độ không hài lòng tại ki-ốt khảo sát đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM Ảnh: THÀNH SƠN
Người dân đánh giá mức độ không hài lòng tại ki-ốt khảo sát đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM Ảnh: THÀNH SƠN

Có được kết quả này là do nhiều BV đã tập trung các giải pháp giảm quá tải, hạn chế nằm ghép, cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khám bệnh.

Đón bệnh nhân từ 5 giờ sáng

Bệnh viện K Trung ương có tới 3 cơ sở khám và điều trị, mỗi ngày có số người tới khám trên 2.000 người nên BV luôn bị quá tải trầm trọng. Thấu hiểu sự vất vả của bệnh nhân mối khi đi khám bệnh, cán bộ, y bác sĩ của BV nhiều ngày từ 5 giờ sáng đã có mặt tại cơ sở Tân Triều và 5 giờ 30 tại cơ sở Quán Sứ tiếp đón, hướng dẫn để 6 giờ là bắt tay vào khám bệnh. Cùng với đó, Bệnh viện K cũng đã triển khai một loạt giải pháp như: bấm số tự động, tăng cường bàn khám, phòng khám và bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh để giảm áp lực tại khu vực phòng khám. Đánh giá mới nhất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho thấy người bệnh hài lòng với Bệnh viện K ngày càng tăng lên. Qua chấm điểm BV trong năm 2018 vừa qua, BV đã đạt 79/83 tiêu chí (tỷ lệ 95%), điểm trung bình chung của các tiêu chí là 4,16 điểm (so với năm 2017 là 3,56 điểm, năm 2016 là 2,79 điểm).

Người dân xếp hàng từ sáng sớm để chờ khám  chũa  tại Bệnh viện  Đại học Y dược  TPHCM     
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tương tự, tại BV Ung bướu TPHCM cũng đã triển khai khám bệnh từ 5 giờ sáng bắt đầu từ năm 2016 để đáp ứng nhu cầu người bệnh, đồng thời rút ngắn các công đoạn để giảm chờ đợi. Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, mỗi ngày BV tiếp nhận 2.500 lượt bệnh nhân đến thăm khám, riêng nội trú có khoảng 1.200 bệnh nhân. Trong đó có tới hơn 60% người bệnh đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam. Người dân thường có thói quen đi khám bệnh vào buổi sáng và đi từ rất sớm, vì thế lượng bệnh dồn về thường rất đông, tốn nhiều thời gian chờ đợi đến giờ hành chính cũng như gây quá tải, tạo áp lực cho y bác sĩ. Chính vì vậy, BV quyết định tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng cho bệnh nhân. “Để triển khai khám sớm, bệnh viện đã kêu gọi tinh thần tự nguyện của các y bác sĩ và nhân viên tích cực tham gia, phục vụ người bệnh”, bác sĩ Phạm Xuân Dũng chia sẻ.


Cùng với Bệnh viện K và BV Ung bướu TPHCM, hiện nhiều BV cũng đã “nới” thêm giờ khám bệnh để kịp thời tiếp đón và giảm thời gian chờ đợi, phiền hà, mệt mỏi của bệnh nhân như BV Bạch Mai, BV Sản nhi Quảng Ninh...

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Mặc dù hiện nay tại nhiều BV lớn ở Hà Nội và TPHCM, tình trạng quá tải vẫn diễn ra nhưng người bệnh cũng đã cảm thấy thoái mái, dễ chịu hơn khi đi viện mỗi khi đau ốm. Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, qua kiểm tra chất lượng tại nhiều BV và qua khảo sát người bệnh trong năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%. Đáng mừng là tại các BV “có tiếng” vì đông đúc, chật chội và quá tải, như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TPHCM thì có đến 95% người bệnh cho biết sẽ quay trở lại thăm khám vì hài lòng về phong cách phục vụ và chất lượng điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, qua kết quả khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy, tỷ lệ khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều BV có tỷ lệ người bệnh hài lòng tới 80% - 90%. Số liệu năm 2012 và 2018 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến trung ương và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%. Đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành y tế, giảm tỷ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần. Cùng với đó đó, mạng lưới 17 BV vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cần tiếp tục các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng quá tải diễn ra tại một số BV ở Hà Nội, TPHCM. 

“Trong năm 2019, ngành y tế vẫn tiếp tục mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng người bệnh. Bộ Y tế sẽ phân định rõ nhiệm vụ của các cơ sở y tế theo từng tuyến chuyên môn để thực hiện nguyên tắc các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa thực hiện được. Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

“Bên cạnh đường dây nóng, ki-ốt Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh khi đến khám bệnh tại khoa khám bệnh của các BV, hiện ngành y tế TPHCM đã chính thức triển khai Phiếu khảo sát trải nghiệm người bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại BV. Đây sẽ là những công cụ thiết thực giúp cho các BV không ngừng cải tiến chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” 
PGS-TS Tăng Chí Thượng
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM
BỘ Y TẾ HƯỚNG DẪN KHẢO SÁT HÀI LÒNG NGƯỜI BỆNH, LĨNH VỰC BÀ MẸ, TRẺ EM

Sáng 21-3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo hướng dẫn khảo sát hài lòng người bệnh, lĩnh vực bà mẹ, trẻ em cho các sở y tế, các bệnh viện sản - nhi khu vực phía Nam. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thời gian qua, nhiều bức xúc, phản ánh của người dân trong việc điều trị, chăm sóc bà mẹ, trẻ em liên tiếp xảy ra. Vì thế, việc đo lường, khảo sát hài lòng bà mẹ, trẻ em rất cần thiết bởi từ những kết quả khảo sát này, các cơ sở y tế sẽ có những bước cải tiến mới trong hoạt động quản trị, điều trị, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc cho bà mẹ, trẻ em. Cùng với hài lòng bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế đã soạn thảo và phổ biến cho các cơ sở y tế các mẫu khảo sát đo độ hài lòng của người mẹ sinh con tại BV và khảo sát nuôi con bằng sữa mẹ trong và sau khi xuất viện.

Tin cùng chuyên mục