Giảm tăng trưởng để chống lạm phát

Cuộc chiến chống lạm phát tại nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn ra rất cam go. Một chu kỳ gần như trở thành quy luật: sau thời kỳ tăng trưởng nóng là đến thời kỳ lạm phát và giảm phát. Điều đáng nói là chu kỳ này đang diễn ra quá nhanh. Thế giới vừa mới ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế chưa được bao lâu, nay lại gặp phải vấn đề lạm phát, đe dọa đến tốc độ tăng trưởng GDP.

Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), yếu tố chính dẫn đến lạm phát, trong tháng 2 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010, mức cao kỷ lục trong vòng 27 tháng qua và vượt mục tiêu của chính phủ nước này đề ra ở mức 4%. Dự báo, trong những tháng tới, tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc có thể lên 5%. Nhiều nhà kinh tế nước này nhận định, với tốc độ lạm phát như vậy, gần như Seoul không thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay.

Tình hình tương tự xảy ra tại Ấn Độ. Lạm phát của nước này trong tháng 1-2011 ở mức 9,3%, trong tháng 2 có giảm đôi chút nhưng vẫn trên 8% so với mức an toàn 4% - 5% trong suốt nhiều thập niên qua. Chính vì vậy, nhiều người tỏ ra hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 9% trong năm 2011 mà Bộ Tài chính nước này đề ra.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra đặt mục tiêu giảm lạm phát là nhiệm vụ trung tâm. Lạm phát của Trung Quốc trong năm 2010 là 3,3%, vượt mục tiêu đề ra là 3%. Chính vì vậy, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 sắp tới, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình còn 7% so với  mức trung bình 10,4% trong giai đoạn 2000-2010. Với việc hạ mục tiêu tăng trưởng, Trung Quốc mong muốn chuyển dịch từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng bền vững, chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng.

Cũng như Trung Quốc, Brazil, một nền kinh tế khác cũng thuộc khối G20, đang chống chọi với vấn đề lạm phát. Ngày 2-3, Ngân hàng Trung ương Brazil đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên mức 11,75%. Đây là tỷ lệ lãi suất cao nhất trong nhóm G20. Quyết định này cũng không gì khác hơn là nhằm giảm tỷ lệ lạm phát ở mức 5,9% trong năm 2010, vượt khỏi mục tiêu 4,5%. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cam kết sẽ không để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát như những năm 1980-1990, khi đó tỷ lệ lạm phát hàng năm của Brazil có khi lên mức 2.000%. Do phải cắt giảm chi tiêu 30 tỷ USD, nên Brazil hạ mục tiêu tăng trưởng từ mức 7,5% trong năm 2010 xuống còn 4,5% - 5% trong năm 2011.

Để chống lạm phát, chính phủ các nước đưa ra nhiều giải pháp như cắt giảm chi tiêu công, tăng lãi suất ngân hàng, đẩy mạnh sản xuất, giảm thâm hụt mậu dịch… Thế nhưng các biện pháp này đôi khi mâu thuẫn nhau, chẳng hạn tăng lãi suất ngân hàng sẽ làm cho sản xuất đình đốn hoặc giảm chi tiêu công có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp… Tất cả điều đó sẽ dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Nhưng để tránh lặp lại hiện tượng tăng trưởng nóng thiếu bền vững, giải pháp được lựa chọn hiện nay đang thiên về hướng hy sinh lợi ích trước mắt, mà cụ thể là giảm tốc độ tăng trưởng GDP, để bảo đảm ổn định lâu dài.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục