Gian nan giảm nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
Gian nan giảm nghèo

Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM giai đoạn 3 (2009 – 2015), dự kiến sẽ kết thúc sớm vào cuối năm 2013 và TP sẽ cơ bản không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Tại các phường, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% tổng hộ dân, trong khi chính quyền các cấp bằng mọi biện pháp giúp dân giảm nghèo, bản thân nhiều người nghèo lại “liệt” giải pháp, thất bại trong công cuộc mưu sinh và không có cách nào tăng thu nhập, cải thiện đời sống của mình.

Chị em bà Nguyễn Thị Ban với bữa cơm đạm bạc.

Chị em bà Nguyễn Thị Ban với bữa cơm đạm bạc.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Phường Long Phước (quận 9) còn 403 hộ nghèo, chiếm 19% tổng số hộ dân và là một trong 21 phường còn tỷ lệ hộ nghèo trên 10% của TP. Trước đó, suốt 3 năm, từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2012, phường mới kéo giảm được một nửa số hộ nghèo (từ 812 hộ xuống 403 hộ). Chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2013, nhưng lại được kỳ vọng, cuối năm nay sẽ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4%, tức chỉ còn 85 hộ. 

Chắc chắn đó là nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều hộ dân. Học vấn là chìa khóa căn cơ có khả năng tạo cơ hội cho người nghèo có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống thì chi phí để mua cơ hội lại làm cản trở con em hộ nghèo.

Anh Vũ Đăng Dinh (43 tuổi, ngụ 178/23 tổ 16, khu phố Long Thuận) bị thấp khớp có 3 con nhỏ thu nhập trong nhà trông chờ vào tiền giúp việc theo giờ của vợ, khoảng 2 triệu đồng/tháng. Dù gia đình anh nằm trong diện đáy nghèo (dưới 8 triệu đồng/người/năm) song các khoản miễn giảm học phí chỉ đóng vai trò thứ yếu trong toàn bộ chi phí nuôi con đến trường. Quá khó khăn, con trai lớn của anh mới 14 tuổi, phải bỏ dở lớp 8, long tong theo mẹ đi giúp việc theo giờ, kiếm thêm 1,5 triệu đồng/tháng. Những đứa con của anh Dinh có nguy cơ nối dài những công việc bấp bênh của cha mẹ chúng. Tương tự, chị Hồ Thị Lục (cùng khu phố Long Thuận) và 3 con nhỏ phụ thuộc vào khoản thu nhập ít ỏi của người chồng đi đốn lá dừa thuê, thỉnh thoảng kiếm được 100.000 đồng/ngày. “Bị” vận động mãi, cháu lớn mới đi học và không ai dám chắc, các cháu sẽ có điều kiện theo đuổi việc học trong hoàn cảnh như thế.

Đồng chí Trần Văn Phương, Phó Bí thư Đảng ủy phường Long Phước, phân tích tình trạng bức bí trong lo lắng, cả phường chỉ có một xí nghiệp và chỉ cần khoảng 300 công nhân nên không biết kiếm đâu ra nơi để giải quyết việc làm cho người lao động. Thậm chí, người dân không có trình độ học vấn và chuyên môn, người ta có phỏng vấn tuyển lao động cũng không biết nói gì, không biết phải làm gì. Đất đai chẳng còn, số đất còn lại cũng không đủ trồng trọt chăn nuôi nên khó có (trường hợp bán đất - PV) khả năng vượt nghèo đột xuất. Phụ nữ có đan mây tre lá nhưng thu nhập không nhiều, đầu ra bấp bênh. Thanh niên trồng sen nhưng chỉ có mùa mưa mới lấy ngó sen bán được. Nếu có chăn nuôi lớn, lại không phù hợp với quy hoạch.

Thoát nghèo danh nghĩa?

Bà Nguyễn Thị Ban (68 tuổi, ở 13/5 ấp 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) và người chị hơn mình 2 tuổi lại thiếu minh mẫn đang trệu trạo nhai cơm nguội cùng một con cá khô chỉ chừng 2 ngón tay, không rau xanh, không nước chấm. Em nhường chị, chị nhường em, không lẽ ai ăn ai đừng! Lớn tuổi lại đau yếu nên hai chị em thỉnh thoảng mới được chòm xóm kêu phụ việc. Hàng ngày, hai chị em đi dọc đầu trên xóm dưới xin tàu dừa về tuốt lấy cọng dừa bán còn lá và tàu dừa để đun nấu. Chỉ những cọng dừa nhỉnh hơn que tăm, bà Ban cho hay: “Phải vài ngày mới gom được 1kg cọng dừa. Mỗi ký bán được 5.000 đồng”. Theo UBND xã, thu nhập của hai chị em bà Ban khoảng 580.000 đồng/người/tháng.

Chỉ riêng những gia đình có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm như nhà bà Ban, xã còn tới 107 hộ và tổng số hộ nghèo của xã còn 344 gia đình, chiếm tỷ lệ 12%. Vậy nhưng, nói về mục tiêu giảm nghèo, lãnh đạo xã đều thao thao bất tuyệt: cuối năm 2013, xã chỉ còn 57 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,99%.

Bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Chủ tịch UBND xã, cho biết, ban đầu xã dự kiến cuối năm còn 58 hộ nghèo, nhưng như thế thì tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm đến 2,02%. Vì thế, xã quyết tâm giảm thêm 1 hộ nghèo nữa để đạt mục tiêu cơ bản thoát nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chiếm dưới 2% tổng hộ dân). Dự kiến tuần tới, xã sẽ rà soát bao nhiêu hộ nghèo có nhu cầu về học bổng, sinh kế, nguồn lao động… để có giải pháp hỗ trợ. Trong đó, đối với các hộ có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm, do gia đình không có nguồn lực tự thoát nghèo, xã sẽ vận động mạnh thường quân bảo trợ lâu dài.

Vừa nghe lãnh đạo xã nói kế hoạch giảm nghèo ngoạn mục trên nhưng khi được hỏi về giảm nghèo cho 157 chị em phụ nữ nghèo, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, lại trả lời không biết cuối năm sẽ đưa bao nhiêu chị em phụ nữ vượt nghèo và kế hoạch giúp họ ra sao? Trao đổi với PV Báo SGGP về việc xã đã vận động được bao nhiêu mạnh thường quân để đỡ đầu cho người quá nghèo, liệu xã có lạc quan quá không, bởi chỉ cần giúp 100 người nâng thu nhập từ 600.000 đồng lên 1 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng xã đã phải vận động đến 40 triệu đồng, bà Huỳnh Thị Xuân Mai cười trừ: Hiện chưa nắm được số mạnh thường quân hỗ trợ!

Trong thời gian ngắn, nếu các hộ dân có được tiếp sức để đẩy thu nhập lên trên 12 triệu đồng/người/năm thì thời điểm đó, họ có thể thoát nghèo tương đối so với chuẩn nghèo. Còn sự bền vững, cơ bản của giảm nghèo là tình trạng công ăn việc làm và sự ổn định của công việc ấy vẫn còn lắm xa xôi. Đối với gia đình bà Lưu Thị Chơi (70 tuổi, ngụ số 7 ấp 2, xã Nhị Bình), sự bền vững ấy có lẽ phải 5-7 năm nữa, khi hai cháu nội của bà lớn lên, có việc làm ổn định để chia sẻ gánh nặng với ba chúng. Trong thời gian ấy, bà Chơi chỉ biết cầu mong đừng có bất kỳ biến động như bệnh tật, tăng giá xảy ra, nếu không gia đình bà khó mà xoay xở!

21 phường xã khó khăn thuộc quận 9 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 11% đến 30%.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục