Đau đầu bài toán tuyển dụng
Báo cáo tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, cho biết, năm học 2018-2019, toàn tỉnh chỉ đảm bảo duy trì tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trẻ mầm non 5 tuổi. Đối với các lớp mầm non 3 và 4 tuổi, nhiều khả năng chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày. Lý giải thực tế này, bà Hoàng Thị Hoa cho biết: “Chúng tôi hiện thiếu hơn 700 giáo viên. Năm học 2017 - 2018 mới huy động được 11,2% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp và 84% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Năm học 2018-2019 dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi Bộ Nội vụ cho biết chưa có phương án tăng thêm biên chế”. Thừa nhận thực tế này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đây là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, một số nơi đã tính đến phương án điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non nhưng không có hiệu quả do khác biệt về tính chất công việc. Thêm vào đó, theo ông Lê Đình Thuần Hòa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, hiện nay trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cũng tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, một bộ phận giáo viên lớn tuổi chưa linh hoạt trong tổ chức hoạt động giảng dạy trên lớp, còn có tình trạng làm hộ trẻ, can thiệp tình huống không đúng lúc, thiếu lắng nghe và không tạo môi trường cho trẻ phát triển kỹ năng cá nhân.
Nhiều tỉnh, thành cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng “bê tông hóa quá mức” đang diễn ra tại các cơ sở mầm non. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều cơ sở mầm non có diện tích sân chơi chật hẹp, thiếu không gian cho trẻ sinh hoạt và vui chơi. Trong đó, nhiều góc chơi được bố trí rất hình thức, chưa hướng đến nhu cầu thật sự của trẻ, mang tính trưng bày nhiều hơn hiệu quả. Do đó, trong năm học 2018 - 2019, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, tận dụng các khoảng không gian hợp lý trong và ngoài lớp học để tạo cảnh quan phù hợp cho trẻ hoạt động, vui chơi.
Lấy trẻ làm trung tâm
Nhìn lại hàng loạt vụ bạo hành trẻ xảy ra ở các cơ sở mầm non thời gian gần đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho rằng, thiếu giáo viên là một trong những nguyên nhân gia tăng thêm áp lực lên các cơ sở. Hiện nay, nhiều địa phương đã có các chính sách riêng hỗ trợ giáo viên mầm non, nhưng do tính chất công việc quá vất vả và áp lực, chế độ, chính sách chưa tương xứng nên quản lý nhân sự còn nhiều bất cập. Trong đó, hành lang pháp lý về cơ bản là đầy đủ nhưng việc thực thi quy định ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở khâu giám sát, phát hiện. Thêm vào đó, sau khi phát hiện các vụ việc, các địa phương đều vào cuộc rất quyết liệt nhưng mới xử lý cơ sở giáo dục và giáo viên, chưa thấy quy trách nhiệm cho cán bộ trực tiếp quản lý nên còn thiếu sức răn đe.
Nhằm giải quyết những bất cập đó, trong năm học 2018 - 2019, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương đưa nội dung “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ, tăng cường cho trẻ thực hành, trải nghiệm phát triển toàn diện trong các cơ sở giáo dục mầm non” vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Thời gian tới, bộ sẽ cụ thể hóa bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm phù hợp điều kiện từng địa phương, kịp thời phát hiện và ghi nhận, tuyên dương các điển hình xuất sắc trong triển khai thực hiện.