
(SGGPO). - Cùng với dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc đang tái phát tại nhiều địa phương, số người mắc cúm A/H1N1 đại dịch tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, thời tiết đang vào thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh trên người phát triển, khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác từ sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, sởi, cho tới thủy đậu, sốt phát ban… xuất hiện.
Cúm H5N1 và A/H1N1 tái phát
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, dịch cúm gia cầm lại bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, khiến các hộ chăn nuôi và người dân hết sức lo lắng trước nguy cơ lan rộng của dịch bệnh nguy hiểm này. Thông báo mới nhất của Cục Thú y, sau khi dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại xã Minh Sơn, Hữu Lũng-Lạng Sơn làm gần 2.000 con gà ở đây bị chết thì tại Nam Định và Kon Tum dịch bệnh nguy hiểm này cũng đã được ghi nhận.

Điều trị cho một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1
Tại Nam Định, dịch đã xuất hiện trên một đàn vịt gần 4.600 con của một chủ hộ ở xã Yên Phong, huyện Ý Yên.
Còn tại Kon Tum, virus H5N1 đã được phát hiện trên đàn gà 1.283 con của một chủ hộ ở tổ 3, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, làm 650 con bị chết.
Không chỉ có cúm gia cầm, Cục Thú Y cũng cho biết, đến nay, cả nước có 18 tỉnh có dịch lở mồm long móng, trong đó tại một số tỉnh như Đồng Nai, Tiền Giang và Quảng Ngãi tiếp tục phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Cùng với dịch bệnh trên gia cầm và gia súc bùng phát thì theo nhận định của Bộ Y tế, cúm A/H1N1 đại dịch trên người tiếp tục ghi nhận số người mắc tăng cao.
Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lo ngại cho biết, từ đầu tháng 2 tới nay, gần như ngày nào, bệnh viện cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp nghi nhiễm cúm tới khám. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cúm, có trên 80% số mẫu là nhiễm cúm A/H1N1. Điều này cho thấy chủng virus cúm A/H1N1 đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng. Hơn nữa, trong số bệnh nhân cúm A/H1N1 nhập viện có không ít trường hợp bệnh tình rất nặng, bị suy hô hấp cấp và phải thở máy.
Dưới góc độ dịch tễ, PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, thời điểm này đang vào mùa dịch cúm, nhất là cúm A/H1N1 trong giai đoạn đỉnh dịch. Tuy số ca mắc cúm A/H1N1 có tăng cao, nhưng không có sự biến chủng nguy hiểm và chưa phát hiện ra những ca kháng thuốc điều trị. Mặc dù vậy, hiện nay cơ quan y tế vẫn đang giám sát liên tục các trường hợp mắc cúm để theo dõi và đề phòng các biểu hiện biến chủng tăng độc lực của virus.
Cảnh giác cao với nhiều dịch bệnh khác
Sau Tết nguyên đán là thời điểm giao mùa nên ngoài dịch cúm, thời tiết không thuận lợi còn tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn gây bệnh trên người phát triển. Giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, một số dịch bệnh mùa Đông Xuân có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, với số bệnh nhân mắc tăng cao, nhất là các dịch bệnh ở trẻ em như: sốt phát ban, sởi, tiêu chảy cấp, thủy đậu. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, chỉ riêng bệnh thủy đậu dù mới bắt đầu vào mùa dịch, nhưng hiện Hà Nội mỗi tuần ghi nhận khoảng 20 ca mắc, với nhiều ca bệnh nặng. Còn với dịch sốt phát ban nghi sởi mỗi tuần có trên 15 ca được báo cáo.
Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Th.S Nguyễn Hồng Hà cũng cho biết, cũng đã có gần 20 ca sốt xuất huyết và 7 ca tiêu chảy cấp nhập viện điều trị, trong đó phần lớn các ca nhập viện đều rất nặng.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia y tế nhận định, hiện nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong mùa Đông Xuân có thể gia tăng mạnh số người mắc trong thời gian tới, nhất là cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, thủy đậu, sởi và đặc biệt là cúm A/H5N1 ở người khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại.
Để ứng phó với các nguy cơ trên, đòi hỏi lực lượng y tế ở các địa phương và các cơ quan chức năng khác phải đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca nhiễm bệnh, nhằm ngăn chặn không để dịch lan rộng ra cộng đồng.
Về phía người dân, khi ngờ mắc các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như: tiêu chảy cấp do tả, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, A/H5N1… cần phải có trách nhiệm khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Đồng thời, với những người khi có các triệu chứng sốt quá cao, ho kéo dài, mệt mỏi nhiều… nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
NGUYỄN QUỐC