Chiều 20-8, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), 112 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội đã có buổi giao lưu cùng GS Ngô Bảo Châu với chủ đề “Thắp sáng ước mơ thủ khoa thủ đô”. Đúng như chủ đề cuộc giao lưu, GS Ngô Bảo Châu đã truyền ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Niềm đam mê không tự dưng mà có
Không nằm ngoài dự kiến, đa số câu hỏi của các bạn thủ khoa đều đề cập đến niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học của GS Ngô Bảo Châu cũng như mong muốn GS truyền đạt ngọn lửa đó, nhất là vào thời điểm họ vừa rời cánh cửa trường đại học để bước vào đời.
“Trong quá trình làm khoa học, có bao giờ GS gặp khó khăn, nản chí và bỏ dở công trình của mình? Nếu có, làm thế nào để vượt qua những thời điểm đó?”. Trả lời câu hỏi này của thủ khoa Nguyễn Ngọc Dũng (ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội), GS Ngô Bảo Châu tâm sự, không chỉ ông mà trong cuộc đời, ai cũng có lúc gặp khó khăn. Khi đã có đam mê khoa học, chúng ta có tri thức và những kỳ vọng nhất định, vì vậy cảm giác về sự thất bại cũng đến thường xuyên. Làm toán rất khổ, 100 ngày thì có đến 99 ngày khó khăn, chỉ có 1 ngày sung sướng, sau đó lại bước tiếp vào những ngày khổ sở.
Thế nhưng, trong những sự khổ sở đó, người làm khoa học phải luôn thành thực với chính mình. Với ông, dù khó khăn nhưng phải luôn biết chờ đợi những khoảnh khắc thắng lợi, luôn phải có ý thức vượt qua thử thách để đi đến thành công. Trong những ngày gian nan đó, ông cũng đã để tâm hồn mình được thoát ra, làm thơ, dù giờ đây, những bài thơ đó không được ông nhớ đến.
Tiếp mạch tâm sự của GS Ngô Bảo Châu, thủ khoa ĐH FPT Trương Thanh Long cho rằng, khó khăn nhiều như vậy, nhưng điều mà các bạn trẻ ngưỡng mộ nhất là GS đã duy trì được niềm đam mê toán học của mình. “Có bao giờ GS mất đi niềm đam mê đó”, Long hỏi. “Niềm đam mê đó không tự dưng mà có, phải biết cách giữ nó. Muốn thế phải biết đam mê đến từ đâu. Tôi cho rằng cội nguồn của niềm đam mê chính là con mắt từ tuổi thơ chúng ta. Sau này chúng ta lớn lên phải luôn giữ được con mắt trẻ thơ của mình: luôn tìm hiểu mọi vật, luôn phải trả lời các câu hỏi” - GS Châu tâm sự.
Để có được cuộc sống ổn định, người ta thường chọn con đường nhanh nhất, thuận lợi nhất để đạt được. Nhưng theo GS Ngô Bảo Châu, vấn đề không chỉ thế, cần biết mục đích thực sự của cuộc sống là gì. Các bạn trẻ cần giữ cho mình những niềm đam mê.
Thành tích chỉ là hành trang để tiếp tục bước đi
Phạm Thị Ngọc Huyền, thủ khoa Học viện Hành chính, đã mang đến cho GS Châu một câu hỏi có sức nặng: GS đã nhận Giải thưởng Toán học Fields danh giá. Bây giờ ngồi tại đây, Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường ĐH đầu tiên của Việt Nam, GS nghĩ gì về giá trị của học vấn trong lịch sử, hiện tại và tương lai? Lặng đi trong giây lát, GS Châu chia sẻ, khi về Việt Nam, ông có dịp gặp rất nhiều người, ở những vị trí khác nhau, đã có lúc ông sợ những điều cấu thành giá trị con người bị mai một.
“Nhưng hôm nay, nhìn vào ánh mắt của các bạn, tôi nghĩ có lẽ tôi đã hơi bi quan. Tôi rất xúc động trước ánh mắt của các bạn khi ghi tên mình vào sổ vàng. Tôi hy vọng 5 năm, 10 năm nữa, các bạn vẫn giữ được ánh mắt đó, giữ được niềm tin vào những giá trị chân chính” - GS Châu bộc bạch. Ông cũng cho rằng, giải thưởng Fields đối với ông chỉ là sự công nhận về mặt công việc. Nhưng ông hạnh phúc vì nó đã làm dấy lên niềm hy vọng trong trí óc, niềm tin của các bạn trẻ về một thế giới tốt đẹp.
GS Châu cũng mong các thủ khoa sẽ không bị choáng ngợp bởi những thành tích của mình. “Nếu tôi bị choáng ngợp bởi 2 tấm Huy chương vàng toán học quốc tế, có lẽ tôi đã không làm gì được cho ngày hôm nay. Các bạn nên xem thành tích của mình chỉ là hành trang để tiếp tục bước đi, dĩ nhiên cũng không nên tự đặt gánh nặng cho mình” - GS Châu nhắn nhủ.
* GS Ngô Bảo Châu: Hãy luôn như những đứa trẻ tò mò, không chấp nhận các câu trả lời, đó là cách để nuôi dưỡng niềm đam mê. |
Phan Thảo