Giáp tết, cẩn trọng bẫy lừa qua mạng

Lợi dụng thời điểm giáp tết nhiều người có nhu cầu mua bán, trao đổi dịch vụ, vay mượn, góp vốn, chuyển tiền..., các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao tung ra nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các cơ quan chức năng luôn cảnh báo nhưng do thiếu cảnh giác, lòng tham nhất thời nên nhiều người vẫn sập bẫy.
Nhóm đối tượng lập facebook ảo rút hơn 117 tỷ đồng của người bán hàng online bị bắt giữ
Nhóm đối tượng lập facebook ảo rút hơn 117 tỷ đồng của người bán hàng online bị bắt giữ

Đủ chiêu lừa 

Trước nhu cầu mua sắm gia tăng cuối năm, Ngân hàng Techcombank vừa phát đi cảnh báo các đối tượng lợi dụng lừa đảo. Cụ thể, đối tượng xây dựng nhiều kịch bản để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản Internet Banking, thẻ… 

Mới đây, cơ quan công an đã bắt nhóm đối tượng Lê Anh Tuấn (SN 1989), Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, cùng ngụ tỉnh Quảng Trị), Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng lập nhiều trang Facebook ảo, đăng nhập vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online rồi đề nghị mua hàng. Tiếp đó, chúng thiết kế nhiều website giả mạo ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam. Sau khi có thông tin nạn nhân, các đối tượng đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của chúng. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã rút hơn 117 tỷ đồng của những người bán hàng online.

Cùng thủ đoạn đánh cắp thông tin qua các trang điện tử giả mạo, theo Công an TPHCM, kẻ gian còn gửi tin nhắn SMS, tin nhắn qua Zalo, Facebook… có thông báo trúng thưởng, lấy tên chương trình trùng với các chương trình của ngân hàng kèm theo một đường link yêu cầu khách hàng truy cập, đăng nhập để lĩnh thưởng. Các website được kẻ gian gửi tới cho khách hàng có giao diện gần giống với website, ứng dụng e-Mobile, Internet Banking chính thức của các ngân hàng, người dùng rất khó phân biệt. Các đối tượng cũng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân, sau đó chiếm đoạt tài sản. 

Theo cơ quan công an, một thủ đoạn phổ biến hiện nay nữa là các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng qua mạng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu người dân chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc, đối tượng khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn trang mạng để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại. 

Vì cả tin, thiếu cảnh giác 

Cũng vì thiếu cảnh giác, gần đây nhiều người đã bị chiếm đoạt tiền do vào các website giả mạo, bán vé máy bay giả để đặt mua vé. Cụ thể, mới đây, một nữ hành khách đã vào website giả mạo hãng Vietnam Airlines có tên miền: www.vietnamairslines.com (so với website chính thức, tên miền này được thêm chữ S vào chữ airlines) để đặt vé và chuyển tiền nhưng sau đó mới biết bị lừa. 

Giữa tháng 12-2020, cơ quan công an đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng bằng công nghệ cao do Lê Thành Nhân (31 tuổi, ngụ tỉnh Long An) và 1 phụ nữ (sống tại Campuchia) cùng tham gia. Theo đó, qua mạng xã hội Whatsapp, một số đối tượng người Nigeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, nhóm đối tượng người nước ngoài này bày tỏ muốn tặng quà, gửi ngoại tệ về cho các bị hại hòng làm mồi nhử. Khi có được thông tin của bị hại, chúng chuyển cho các đối tượng khác ở Campuchia để lấy thông tin các tài khoản ngân hàng, sau đó các đối tượng ở Campuchia sẽ cung cấp thông tin cho Nhân tại Việt Nam. Nhân giả danh nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng, nhưng sau đó chúng chiếm đoạt luôn. 

Một lãnh đạo của Bộ Công an cho hay, đa số bị hại là phụ nữ và người già trên 60 tuổi. Đây là những người thường ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Để bảo vệ an toàn tài khoản và giao dịch, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng lưu ý khi giao dịch như sau: Sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để chủ động quản lý thẻ và tài khoản; chỉ đăng nhập ngân hàng điện tử của đúng ngân hàng mở tài khoản; theo dõi sao kê và biến động số dư thường xuyên; khóa thẻ, đổi mật khẩu đăng nhập ngân hàng điện tử và liên hệ với ngân hàng ngay khi phát sinh giao dịch bất thường; cảnh giác và xác minh rõ khi có yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản; chỉ thanh toán online tại các website có uy tín, đảm bảo sự tin cậy. Khách hàng cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng điện tử như tên đăng nhập/mật khẩu đăng nhập/mã kích hoạt Smart OTP hoặc số thẻ cho bất kỳ ai, kể cả với nhân viên ngân hàng, người tự xưng là công an, cơ quan điều tra…

Tin cùng chuyên mục