

- Tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm
Đã đến lúc ngành da giày xuất khẩu Việt Nam cần tính đến bài toán phát triển lâu dài là tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm, thị trường, đầu tư xây dựng thương hiệu và nguyên phụ liệu…
Có ba nhiệm vụ trước mắt mà doanh nghiệp nên chú ý là cần chuyển hướng thị trường, tập trung chuyển nhanh sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biệt thị trường Nhật Bản cần các loại giày dép có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, dép xốp, dép quai hậu… Kế đó là cần chú trọng đến thị trường trong nước có mãi lực lớn. Cuối cùng là doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm cao cấp và tránh các loại sản phẩm có mũ da.
Quá trình này sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng thương hiệu, đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và sáng tác mẫu mã… Khi sản xuất trong nước phát triển đủ độ chín thì tức khắc sẽ xuất hiện các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, thu hút các nhà sản xuất nguyên phụ liệu vào đầu tư. Đây là sự điều tiết theo đúng quy luật của thị trường. Vai trò của nhà nước là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, chia sẻ thông tin thị trường, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào triển khai các dự án phát triển ngành.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN Nguyễn Đức Thuấn:
- Giảm giá thành, tăng năng suất
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần chủ động đón nhận sự việc này. Một mặt, các doanh nghiệp giải thích rõ việc ngành da giày Việt Nam còn nhỏ bé, chủ yếu làm gia công nên không thể có điều kiện quyết định giá thành sản xuất, không thể bán phá giá vào thị trường châu Âu.
Trước việc bị áp thuế, các doanh nghiệp cần cố gắng giảm mức tổn hại bằng việc tiếp tục triển khai các biện pháp giảm giá thành, tăng năng suất lao động để phần nào bù đắp vào chi phí thuế. Đồng thời, chuyển phương thức kinh doanh để thoát khỏi gia công mới có thể chủ động xây dựng giá thành sản phẩm và chào giá tốt hơn.
Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp để tiếp tục đề nghị EC có những điều chỉnh thuế hợp lý hơn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thăm dò và mở rộng thị trường mới; tổ chức đào tạo nhân lực; hình thành các hội ngành hàng để hỗ trợ thông tin thị trường và sản phẩm, giá cả, xu thế thời trang…
VĂN MINH HOA