Gieo con chữ nơi bản Mường

Lớp học cho trẻ em nghèo đã được anh mở suốt 12 năm qua, thắp sáng ước mơ cho các em nhỏ người Mường - nơi mà trẻ em nói tiếng Kinh còn chưa sõi. Anh là Bùi Văn Bình, “thầy Bình” của em nhỏ người Mường huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Gieo con chữ nơi bản Mường

Lớp học cho trẻ em nghèo đã được anh mở suốt 12 năm qua, thắp sáng ước mơ cho các em nhỏ người Mường - nơi mà trẻ em nói tiếng Kinh còn chưa sõi. Anh là Bùi Văn Bình, “thầy Bình” của em nhỏ người Mường huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Khi anh Bình mới 7 tuổi, bố mẹ chia tay, bố bỏ đi, còn mẹ anh đi thêm bước nữa. Ít lâu sau, cha dượng và mẹ đều qua đời vì bệnh tật, bỏ lại anh và hai em gái nhỏ. Một năm sau, một em gái của anh cũng qua đời vì bệnh nặng mà không có tiền chữa trị. Bùi Văn Bình khi đó mới 8 tuổi và em gái 5 tuổi phải nương tựa vào nhau để sống tiếp.

Thầy Bình và các học sinh của mình

Với tình yêu và quyết tâm của anh với việc học chữ, đôi chân bị liệt không ngăn được anh tới trường. Được sự động viên của bà con trong xóm và thầy cô giáo, anh quyết định tiếp tục đi học dù cho hàng ngày phải bò đến lớp. Quãng đường từ nhà tới trường dài 3km đều là đường đồi núi và cách trở, việc phải bò qua đoạn đường đá khiến nhiều lần đầu gối của cậu bé mới 10 tuổi sưng vù, rớm máu cộng thêm đôi bàn tay bỏng rát. Sau một thời gian như vậy, cảm phục trước ý chí học tập của Bình, những người bạn cùng trường, cùng lớp hay ở xóm thay nhau hàng ngày cõng Bình đi học. Lên đến cấp 3, trường xa, những bạn có xe đạp thay phiên nhau chở Bình tới trường rồi cõng anh lên lớp.

“Tôi vốn học khá, luôn đứng nhất, nhì lớp trong suốt những năm học phổ thông. Nhưng số phận lại tiếp tục trêu đùa, vào ngày thi tốt nghiệp THPT, tôi bệnh liệt giường, không thể tiếp tục thi nên ước mơ lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 và bước vào giảng đường đại học đành để đó”, anh kể.

Không được tiếp tục đến trường, Bình chuyển sang làm thầy ở bản làng. Khi chúng tôi đến, trong ngôi nhà chỉ rộng 15m², có hơn 30 em học sinh ở độ tuổi khác nhau ngồi vây quanh chiếc giường và mấy chiếc bàn gỗ của “thầy Bình” để học. Tiếng đọc bài của con trẻ nghe âm vang cả bản Mường nghèo khó.

Gọi lớp học của anh là lớp học đặc biệt không phải chỉ bởi anh chưa hề được đào tạo qua trường lớp sư phạm mà vẫn đứng lớp hơn 10 năm nay, mà còn bởi lớp học này đa phần là các học sinh học kém và cá biệt của trường tiểu học và trung học cơ sở của xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ở xã vùng cao khó khăn, vất vả vì cuộc sống mưu sinh khiến bố mẹ các em đôi lúc không thực sự quan tâm đến việc học của con em mình.

Trường ở xa nhà, cộng với việc phải giúp bố mẹ làm việc khiến tình trạng bỏ trường, bỏ lớp là thường xuyên. Việc học kém, không thể theo nổi các bạn khác diễn ra phổ biến đối với các em học sinh người Mường. Khi ấy, “thầy Bình” chính là người được bố mẹ các em tin tưởng để dạy cho các em không chỉ là con chữ mà còn là tình yêu, tầm quan trọng của việc học và hơn nữa là dạy cho các em làm người tốt. Nhiều học sinh của “thầy Bình” đã tốt nghiệp cấp 3 và học lên cao, trong sự tự hào của cha mẹ các em.

Anh chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, chính lũ trẻ là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi. Bọn nhỏ là những người đã cho tôi nghị lực sống và niềm tin vào tương lai”.

PHẠM THÀNH

Tin cùng chuyên mục