Giới đầu tư bớt e ngại tình hình chiến sự Syria

Ngày 16-4, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều và tăng giá tích cực khi tình hình chiến sự tại Syria tạm lắng. Cùng ngày, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bắt đầu họp khẩn cấp nhằm thảo luận về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta, Syria. Nga cam kết không can thiệp vào công việc của phái đoàn OPCW cử tới Syria nhằm điều tra vụ tấn công này.
Người dân Iraq tuần hành kêu gọi ngừng các hành động hủy hoại Syria
Người dân Iraq tuần hành kêu gọi ngừng các hành động hủy hoại Syria
Thị trường biến động
Các phiên tăng điểm xuất hiện tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Yếu tố chính chi phối các thị trường trong phiên giao dịch này là diễn biến tại khu vực Trung Đông, hiện là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi nhà đầu tư. Chốt phiên giao dịch ngày 16-4, tại thị trường giao dịch Tokyo, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đồng loạt tăng điểm: chỉ số Nikkei 225 tăng 0,26% điểm, lên 21.835,53 điểm; chỉ số Topix tăng 0,4% điểm, lên 1.736,22. Tại Hàn Quốc, chỉ số tổng hợp KOSPI tăng 2,42 điểm (0,1%), lên 2.457,49 điểm. Được sự hỗ trợ của các mã chứng khoán thuộc các ngành nguyên vật liệu và năng lượng, chỉ số chứng khoán S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,21% điểm, lên 5.841,30 điểm. 
Phản ứng nói trên của thị trường chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư đang dần thoát khỏi lo ngại về tình hình chiến sự tại Syria, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chiến dịch tại Syria đã kết thúc, trong khi quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ chưa leo thang căng thẳng dù Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley ngày 15-4 cho biết Mỹ đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Đây được xem là các yếu tố tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán châu Á. 
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, một loạt các chỉ số chứng khoán chủ chốt, giảm hơn 1% điểm, mức giảm mạnh nhất trong 3 tuần qua trong bối cảnh các nhà đầu tư đang lo ngại về tăng trưởng tín dụng chậm lại và các quy định siết chặt kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc dự kiến áp dụng vào cuối năm nay sẽ bắt đầu gia tăng áp lực lên các ngành kinh tế của nước này.
Phương Tây tính giải pháp chính trị lâu dài 
Cùng ngày, Chính phủ Pháp tiến hành cuộc thảo luận nhằm bày tỏ quan điểm về chiến dịch không kích do liên quân Mỹ, Anh, Pháp thực hiện nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria. Hiến pháp Pháp quy định rằng chính phủ phải thông báo cho Quốc hội quyết định tham chiến ở nước ngoài, muộn nhất là 3 ngày sau khi bắt đầu chiến dịch.
Cũng giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước, đặc biệt là từ quốc hội nước này, khi nhà lãnh đạo Pháp có hành động “tiền trảm hậu tấu”, không tham vấn với các nghị sĩ trước khi quyết định tham gia tấn công Syria. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh BFM TV, RMC và trang tin tức trực tuyến Mediapart, Tổng thống Macron cho biết Pháp đang chuẩn bị một giải pháp chính trị cho phép thực hiện quá trình chuyển tiếp ở Syria. Liên minh sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, gồm cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị toàn diện tại Syria. 
Còn tại Syria, quân đội của Chính phủ Syria đang tiếp tục giành lại những vùng đất đã mất, đưa quân tới phía Nam thủ đô Damascus để tiêu diệt các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn cố thủ tại đây sau khi giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Ghouta, ngoại ô Damascus.

Tin cùng chuyên mục