Giữ gìn hình ảnh cán bộ công chức

Nhân việc UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ - công chức (CBCC), trong đó có quy định về trang phục của CBCC, các ý kiến tranh luận hiện đang theo 2 hướng.
Nhiều ý kiến tán thành việc trong thời gian làm việc, CBCC phải có trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo, để thể hiện sự nghiêm túc của người đang thực thi công vụ, bảo đảm vai trò đại diện Nhà nước đối với người dân, thực sự tôn trọng nhân dân. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng việc quy định quá cụ thể đến trang phục CBCC là không cần thiết.
Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước (theo Quyết định 29/2007), trong đó đã quy định: Trường hợp không có quy định đồng phục, khi thực hiện nhiệm vụ, CBCC phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài, lễ phục của nam CBCC là bộ comple, áo sơ mi, cravat; lễ phục của nữ CBCC là áo dài truyền thống hay bộ comple nữ. Đối với CBCC là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục.
Có thể thấy, trang phục CBCC không phải là yếu tố quyết định nên vị trí công tác, chức vụ, năng lực, uy tín, nhưng rõ ràng là có tác động đáng kể đến hiệu quả công việc, cũng như để lại ấn tượng, tình cảm với đối tượng mà CBCC tiếp xúc. Do vậy, CBCC nên ăn mặc lịch sự, trang trọng, phù hợp với điều kiện công việc và đối tượng mà mình thường tiếp xúc. Một CBCC tiếp công dân, mặc trang phục lịch sự, phù hợp, trang nhã và có thái độ đúng mực sẽ dễ tạo được niềm tin cho người dân đến liên hệ công việc. Xét cho cùng, ăn mặc lịch sự chính là thể hiện sự tự trọng và tôn trọng người đến tiếp xúc, đồng thời tôn trọng vị trí công tác của người CBCC. Do đó, không thể lơ là việc này được!
Có ý kiến cho rằng trong việc giữ gìn hình ảnh CBCC, cách trang phục không quan trọng bằng thái độ tiếp dân, cùng hiệu quả giải quyết công việc. Nếu ăn mặc chỉn chu, đẹp mắt mà cau có, nói chuyện cộc lốc với dân, để dân đi lại nhiều lần, chờ đợi lâu thì trang phục đẹp có ích gì. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thái độ tiếp dân và hiệu quả công việc là yêu cầu mang tính bắt buộc đối với mỗi CBCC. Yêu cầu đầu tiên là phải thực sự tôn trọng dân, thể hiện qua lời nói (chào hỏi, trao đổi, trình bày ý kiến), cử chỉ, điệu bộ, ứng xử… Yêu cầu tiếp theo là phải giải quyết các đề nghị, ý kiến của người dân có lý có tình, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, căn cứ theo các quy định của pháp luật. Nếu pháp luật chưa đề cập nhưng trong thẩm quyền của mình, cần có sự linh hoạt, vận dụng cho phù hợp, đồng thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tìm cách tháo gỡ, chứ không được vì chưa có quy định mà bỏ mặc bức xúc của người dân. Thực hiện được 2 yêu cầu đó thì mới cơ bản làm tròn vai trò của CBCC.
Dẫu vậy, trang phục lịch sự vẫn có ý nghĩa riêng của nó. Khi một người đã biết tôn trọng mình thì cũng dễ biết tôn trọng người khác và cũng có quyền đòi hỏi người khác tôn trọng mình tương tự. Nếu CBCC mà ăn mặc cẩu thả, luộm thuộm liệu có quyền từ chối làm việc với một người dân ăn mặc bê bối đến cơ quan công quyền không? Như vậy, bản thân trang phục của CBCC cũng là một điều kiện để tạo nên công sở văn minh và những người đến làm việc cũng phải văn minh.
Dĩ nhiên, quy định về trang phục cũng không nên quá cứng nhắc. Cùng là CBCC nhưng với những người là lãnh đạo, người hay tiếp xúc với công dân, thì nên có đòi hỏi khắt khe hơn những người khác. Chẳng hạn, cán bộ tiếp dân không thể ăn mặc lôi thôi, mà phải lịch sự, kín đáo, trang nhã; cán bộ lãnh đạo không thể ăn mặc xoàng xĩnh, mà phải nghiêm túc, lịch sự; nhưng cán bộ làm công tác lưu trữ, cán bộ giao liên… thì có thể có trang phục thoải mái hơn, miễn sao thuận lợi, phù hợp với công việc. Thiết nghĩ, từng địa phương, cơ quan, đơn vị khi quy định về trang phục CBCC cần có quy định mang tính phổ quát, chẳng hạn có thể là “trang nhã, lịch sự, kín đáo, phù hợp”. Đối với người chưa thực hiện tốt, nên có biện pháp nhắc nhở hơn là vận dụng quy định để chế tài. 

Tin cùng chuyên mục