Giữ gìn văn hóa truyền thống qua lớp dạy chữ Khmer

Một lớp học đặc biệt tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) được mở ra với mong muốn truyền đạt tình yêu với con chữ và văn hóa truyền thống Khmer đến học sinh.

Say mê học chữ

Trung tuần tháng 7, cơn mưa nặng hạt vào thời điểm sáng sớm không ngăn được các em học sinh đến với lớp học “dã chiến” dạy chữ Khmer tại nhà của ông Đào Hoa tại ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Mới hơn 7 giờ sáng nhưng lớp học trên sông Lòng Ống đã rộn vang tiếng cười nói của các em học sinh.

Đúng 7 giờ 30, thầy Danh Hở, người đứng lớp giảng dạy, bắt đầu điểm danh. Tiếp đó, thầy bắt nhịp thật chậm rãi để học sinh hát theo giai điệu bài hát về 33 chữ cái trong bảng chữ Khmer. Sau tiết mục văn nghệ đầu giờ, thầy Danh Hở gọi học sinh lên trả bài, chấm điểm bài tập về nhà rồi giảng dạy bài học mới.

Thầy Danh Hở chia sẻ, lớp dạy chữ Khmer bắt đầu từ ngày 30-6. Lớp được tổ chức đều đặn từ thứ hai đến chủ nhật, bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc gần 10 giờ. Học sinh sẽ nghỉ học hai ngày vào ngày 15 và ngày 30 Âm lịch để đi chùa. Đây là năm thứ 2 lớp dạy chữ Khmer được tổ chức trên địa bàn ấp Thới Trường 1. Năm đầu tiên lớp thu hút 34 học sinh theo học và có 30 em được cấp giấy chứng nhận cuối khóa. Năm nay, lớp học được mở trên địa bàn hai ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2, mỗi lớp thu hút khoảng 30 học sinh theo học.

Theo thầy Danh Hở, để duy trì sĩ số học sinh ổn định suốt 2 tháng hè thì người đứng lớp giảng dạy phải tạo sự say mê cho các em. “Lớp học không chỉ chú trọng dạy chữ mà còn dạy về văn hóa truyền thống, múa hát của người Khmer cho các em”, thầy Danh Hở chia sẻ.

Chung tay gìn giữ truyền thống

Để các em tham gia lớp học, ông Đào Hoa và vợ là bà Danh Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Trường 1, phải đến từng hộ gia đình trong ấp để vận động. “Đa phần cha mẹ các em là người Khmer nên rất muốn con cái thông thạo chữ viết, văn hóa của dân tộc, từ đó thêm yêu quý nguồn cội của mình. Tôi nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của lớp học và cam đoan hỗ trợ sách vở, bút viết miễn phí để phụ huynh tin tưởng cho con theo học”, bà Danh Thị Hiền cho biết.

E4b.jpg
Học sinh theo học lớp dạy chữ Khmer tại nhà ông Đào Hoa

Lớp học vận hành bằng nguồn xã hội hóa của nhiều cá nhân, đơn vị. Bàn ghế trong lớp thì mượn từ các đơn vị trong xã. Thậm chí, ông Đào Hoa và vợ phải bỏ tiền túi để mua gỗ, thuê xưởng mộc đóng thêm bàn ghế đúng với chiều cao của các em học sinh. Vở, bút viết hoặc bảng chữ nguyên âm, phụ âm tiếng Khmer được mạnh thường quân, người đứng lớp giảng dạy quyên góp, bỏ công sức làm miễn phí để phục vụ cho lớp học.

Em Thạch Thị Anh Tài (10 tuổi) đã tham gia lớp học hè dạy chữ Khmer được 2 khóa. Là người dân tộc Khmer, trước đây em có thể trò chuyện thông thạo bằng tiếng Khmer nhưng không biết mặt chữ Khmer. “Đến đây, em được thầy giáo dạy chữ, từ đó phần nào có thể đọc các chữ viết Khmer. Ngoài ra, tham gia lớp học, em còn được làm quen với nhiều bạn bè mới, học hỏi thêm nhiều điều thú vị về văn hóa truyền thống của người Khmer”, Anh Tài tâm sự.

Còn em Lý Đào Thanh Phong vốn đang theo học lớp 9 ở một trường THCS tại TP Thủ Đức (TPHCM). Dịp hè, về quê ông bà ngoại chơi, thấy sự thu hút đặc biệt của lớp dạy chữ Khmer, em xin cha mẹ được theo học. Đến nay, sau 2 khóa học, Phong đã nhận diện được hầu hết các chữ cái trong bảng chữ Khmer. “Về quê em rất vui, được học chữ, múa hát các làn điệu cổ truyền của dân tộc Khmer”, Phong hào hứng nói.

Tin cùng chuyên mục