Giữ “lửa” cho bếp ấm

Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, con người phải chạy đua với thời gian, với công việc, nhưng mỗi người cần biết sắp xếp hài hòa mọi thứ để có phút giây quý giá dành riêng cho gia đình, để quây quần bên mâm cơm sau ngày làm việc.

1. Thỉnh thoảng dịp cuối tuần, tôi về nhà thăm chị gái ở Hóc Môn (TPHCM). Chị vui lắm, nấu những món ăn tuổi thơ mà cả hai chị em đều thích. Bữa nào hai chị em cũng vừa ăn vừa trò chuyện râm ran.

Một lần, tôi thắc mắc: sao chủ nhật mà chỉ có hai chị em ngồi ăn cơm? Chị giải thích, mấy đứa nhỏ giờ bận lắm, thời khóa biểu dày đặc, hết học chính đến bổ túc, nâng cao, bồi dưỡng… Mà không phải chị ép gì đâu, là tụi nhỏ tự “chạy” cho bằng bạn bằng bè đó. Rõ khổ, lúc nào cũng thấy tụi nó gấp gáp, bận rộn còn hơn cả mình. Đến cả bữa ăn, giấc ngủ cũng vội vã, không như tuổi thơ thời mình. Vậy nên chị cũng kệ, cứ nấu sẵn đó, khi nào đói tụi nhỏ tự xuống lấy ăn… Chị nói, không nhớ từ khi nào mất hẳn thói quen cả gia đình quây quần ngồi bên mâm cơm nóng.

Chị Minh - hàng xóm ở cạnh nhà tôi thì gặp cảnh khác. Mấy đứa con chị mỗi đứa mỗi tính nết khác nhau. Trong khi đứa lớn thích ăn cá thì đứa út cứ thấy cá trên mâm cơm là giãy nảy. Đứa con gái giữa thì tính giống bà nội, thích những món kho khô quéo quẹo, từ cá kho, mắm kho… Rồi chồng chị lại thích nấu món Bắc, những loại om nhiều gia vị như riềng, nghệ, mẻ, mắm tôm…, mà mấy món đó thì cả hai đứa con không nhúng đũa vào. Thành ra, mỗi lần vào bếp, chị lại căng đầu tính toán xem nấu món gì, nấu sao để cả gia đình cùng ăn được.

Cứ như vậy, gần hai mươi năm, ngày nào chị cũng cố chiều lòng từng thành viên trong gia đình. Bạn bè đến chơi, hỏi chị thích nhất món gì, chị mới thú nhận là chẳng còn biết mình thích món gì, vì cứ món gì thừa ra của chồng con, chị lại ăn kẻo tiếc. Với chị, chỉ cần chồng con ăn uống ngon miệng là thấy vui. Tuy vậy, chị không tránh khỏi những khi yếu đuối dễ chạnh lòng thương mình tất bật trong gian bếp.

Chị Thanh - đồng nghiệp tôi, nhà ở quận 3 (TPHCM), nghe kể vậy thở ra rõ to. Chị nói, phụ nữ ngày nay khác rồi, vì gia đình nhưng cũng phải yêu thương bản thân. Riêng nhà chị, không quá quan trọng bữa ăn chung. Thi thoảng cuối tuần, cả gia đình kéo nhau ra quán ăn, hoặc gọi món về ăn cùng chứ không tự nấu. Trong bữa ăn, trẻ vừa ăn vừa chơi game hay lướt web, bố mẹ cũng tất bật trước máy tính, điện thoại… “Cũng gọi là mâm cơm gia đình đó, mà có ai nói chuyện với ai đâu”, chị Thanh chia sẻ.

Hạnh phúc đơn sơ của tuổi già là khi được bên nhau trong bữa cơm gia đình. Ảnh: N.HÀ
Hạnh phúc đơn sơ của tuổi già là khi được bên nhau trong bữa cơm gia đình. Ảnh: N.HÀ

2. Cuộc sống hiện đại mang lại sự tiện nghi cho con người, nhưng đôi khi cũng lấy đi những giá trị sâu sắc. Thế hệ của tôi khi còn nhỏ, ăn cơm nhà ngày ba bữa, không hề biết đến “cơm hàng cháo chợ”. Khi bố mẹ mất đi, anh chị em có dịp ngồi lại, câu chuyện râm ran cũng quay về mâm cơm khi còn nhỏ. Nó như một sự kết nối bền vững, để dẫu có những xích mích xảy ra, khi đã ngồi lại cùng mâm cơm, mỗi người đều có những câu chuyện bùi ngùi nhớ về, rồi chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Vì chúng ta đều là anh em một nhà, từng có những giây phút hạnh phúc bên mâm cơm đơn sơ đến như vậy cơ mà!

Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người lớn hay cả trẻ em cũng đều phải nỗ lực trong guồng quay của mình, từ sáng sớm đến tối muộn. Họ luôn cảm thấy thời gian trong ngày quá ít. Và hiển nhiên, thứ họ cắt giảm trước tiên đó là thời gian dành cho gia đình.

Đành rằng, khi còn trẻ, người ta cần phải tất bật vì nhiều lẽ: trau dồi kiến thức, kỹ năng, tạo dựng sự nghiệp, hướng đến tự do tài chính... Nhưng trong quá trình đi đến kết quả đó, tình cảm gia đình, hơi ấm tình thân, sự kết nối giữa những thành viên với nhau, cũng là điều cần phải tạo dựng mới có được hạnh phúc vẹn tròn. Nếu như chỉ chăm chăm vào việc ra ngoài, đến một lúc nào đó sẽ mất đi sự cân bằng cần thiết.

Theo các chuyên gia tâm lý, bữa cơm gia đình là khoảnh khắc tuyệt vời nhất để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Trong bữa ăn, các thành viên trò chuyện, chia sẻ tạo một không khí vui vẻ gắn kết tình cảm yêu thương. Từ đó, mỗi người sẽ dần cảm nhận được giá trị lớn lao của hai chữ gia đình, để biết gìn giữ và trân trọng mái ấm gia đình hơn.

Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, con người phải chạy đua với thời gian, với công việc, nhưng mỗi người cần biết sắp xếp hài hòa mọi thứ để có phút giây quý giá dành riêng cho gia đình, để quây quần bên mâm cơm sau ngày làm việc. Hoặc chỉ duy trì bữa ăn đầy đủ thành viên vào ngày nào đó phù hợp trong tuần cũng là đáng quý.

Và tôi cũng tự hỏi, nếu sống một cuộc sống mà đến bữa ăn, giấc ngủ cũng vội vã, thì cuối cùng mình sống vì điều gì? Tôi có nghe câu chuyện về một doanh nhân thành đạt, nhưng có thói quen rất lạ, đó là thi thoảng, mỗi khi tâm trạng không tốt, anh ta lại đến ngồi uống cà phê đối diện nhà tang lễ một lần. Ngồi bên này nhìn qua khu cổng nhà tang lễ, anh cảm nhận rõ hơn sự vô thường của kiếp người. Trong tiếng sụt sùi, dòng người đưa tiễn, những tấm ảnh chân dung lạnh lẽo treo kia nhắc nhở anh, đó cũng là những con người đã từng rất sôi động với vô vàn câu chuyện của riêng mình. Anh nhận ra, dù là người nghèo, người giàu, người có địa vị cao, người được bao nhiêu người mến mộ thì cuối cùng cũng chỉ là nắm tro tàn như nhau. Điều ấy như một cách thức tỉnh anh sống chậm lại, sống có ý nghĩa hơn, thay vì cứ lao về phía trước đi tìm những thứ tưởng là giá trị nhưng chỉ là phù phiếm trong cuộc đời này.

Trong cuốn sách Ba người thầy vĩ đại của tác giả Robin Sharma, ông chia sẻ rằng: “Đừng quá bận rộn với việc cố gắng chạy theo mục tiêu, mà hãy bắt đầu dành thêm thời gian để sống”. Tôi tin rằng, niềm hạnh phúc, sự bình an không đến ngay sau một giấc ngủ, mà là được nuôi dưỡng từ chính những điều đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng, như vòng tay ấm áp, bữa ăn gia đình, biết cho đi…

Tin cùng chuyên mục