Ngày 29-12, hội nghị của Chính phủ với các địa phương tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ quyết tâm thực hiện đạt, vượt những chỉ tiêu năm 2016, bảo đảm tăng trưởng cao hơn năm 2015. Trong đó, quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quyết tâm thực hiện đạt, vượt những chỉ tiêu năm 2016. Ảnh Lã Anh
Cần dẹp bỏ tâm lý thụ động
Trong ngày làm việc thứ 2, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị cần nâng cao hiểu biết cho người dân và doanh nghiệp về việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là cộng đồng kinh tế được đánh giá là sẽ đem về nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và có thể tận dụng được những lợi thế này. Thụ động chờ thông tin về hội nhập là tâm lý rất phổ biến ở các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp phải chủ động, tích cực vào cuộc để bảo vệ thị trường, hàng hóa của chúng ta. Nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất, đáp ứng 70% - 80% nhu cầu thị trường như phôi thép, thép xây dựng, đạm, phân bón nhưng nhập khẩu vẫn nhiều (chẳng hạn hiện nay vẫn phải nhập 2,5 triệu tấn đạm/năm). “Nếu chúng ta không có giải pháp, làm nhanh, mạnh thì hàng hóa sẽ bị thua ngay trên sân nhà”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho rằng, năm 2016, để đạt chỉ tiêu GDP 6,7% thì Chính phủ cần báo cáo Quốc hội tăng đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, nếu không sẽ khó thu hút đầu tư. “Ví dụ Khu kinh tế Nghi Sơn - dự án trọng điểm của cả khu vực Bắc Trung bộ, nhưng do hạ tầng còn kém nên khó thu hút nhà đầu tư vào cảng”, ông Nguyễn Đình Xứng nói. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đề nghị Chính phủ cần có nghị định xử phạt về vệ sinh an toàn thực phẩm đủ sức răn đe.
Ngân sách 2015 thu vượt 62.000 - 65.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự toán thu ngân sách năm 2015 là 911.000 tỷ đồng, đến ngày 26-12 đã vượt 4,2%. Cả năm thu ngân sách đạt khoảng 973.000 - 976.000 tỷ đồng, tăng 62.000 - 65.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 13% so với số thực hiện năm 2014. Theo tính toán, khả năng sẽ không phải dùng đến 10.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù đắp hụt thu. Trong đó, 55 địa phương hoàn thành dự toán, 36 địa phương dự toán vượt trên 10%, 8 địa phương có khả năng hụt, nhưng hụt không lớn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, năm 2016 dự toán ngân sách của các địa phương tích cực hơn so với năm 2015. Vì vậy, ngay từ tháng đầu năm 2016 phải làm tốt quản lý tài chính ngân sách, quản lý chi phải triệt để tiết kiệm. Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ những giải pháp điều hành cụ thể. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý, giá dầu năm 2016 có khả năng tác động đến ngân sách, dự toán là 60 USD/thùng nhưng hiện giá chỉ còn 35-36 USD/thùng. Bộ Tài chính đã có phương án điều hành của nhiều mức giá dầu. “Quản lý chặt đầu vào thì sẽ tiết kiệm, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp, cùng với các giải pháp khác sẽ bảo đảm cân đối ngân sách. Bài học điều hành giá cả để giảm chi phí đầu vào của nền kinh tế chúng ta đã làm rất tốt, nhất là ngành GTVT”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận xét.
Xây dựng phương án điều hành ngân sách với giá dầu thô giảm
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm tới giá dầu có thể xuống tới 20 USD/thùng, tác động rất lớn đến các lĩnh vực, vì vậy cân đối ngân sách phải tính toán hết sức cụ thể để bảo đảm. Đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí phải là ưu tiên chiến lược, nâng trữ lượng dầu xác minh cho quốc gia để ứng phó với giá dầu thấp. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lo ngại năm 2016 ổn định vĩ mô có thể khó khăn hơn 2015. Vì vậy, trong điều hành cần tập trung cao độ hơn, tất cả các chính sách cần tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Điều hành chính sách 5 năm tới phải theo hướng thắt chặt ngân sách, chi tiêu tiết kiệm. Năm 2016 phải xây dựng phương án điều hành ngân sách với giá dầu thô giảm. Bất động sản đang ấm lên, vốn đổ vào nhiều, vì vậy cũng phải kiểm soát chặt. “Về điều hành giá cả, cần kiên trì theo thị trường có sự quản lý nhà nước, nhất là giá dịch vụ. Năm 2015 lạm phát thấp, cơ hội để điều chỉnh giá dịch vụ có điều hành của nhà nước đã qua, nên năm 2016 phải tính toán kỹ lưỡng”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị.
Quản lý tốt giá cả
Trả lời câu hỏi “Lãi suất có thể giảm tiếp được không?” mà lãnh đạo Chính phủ đặt ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, vừa qua Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã bàn khá kỹ vấn đề này. Lạm phát năm 2015 thấp, nhưng nếu loại bỏ các yếu tố bất thường, nhất là giá dầu thì lạm phát cũng khoảng 3%. Vì thế, mặt bằng lãi suất hiện nay phù hợp với định hướng điều hành lạm phát khoảng 5%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặt bằng lãi suất năm 2016 sẽ tương đương năm 2015; nhưng sẽ cố gắng giảm 0,3% - 0,5% lãi suất cho vay trung và dài hạn, giữ ngoại hối ổn định, bảo đảm cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng duy trì mức khoảng dưới 20% để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. “Lạm phát 2015 rất thấp nhưng 2016 khó kiểm soát lạm phát dưới 5%, vì còn nhiều mặt hàng sẽ điều chỉnh giá, áp lực tăng trưởng... Đề nghị phải quản lý tốt giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 2016 ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. “quyết tâm đạt, vượt những chỉ tiêu năm 2016, bảo đảm tăng trưởng cao hơn 2015. Quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả năm 2015. Về nhiệm vụ năm 2016, vấn đề đặt ra là hội nhập thật tốt. Không có cách nào khác là chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 2016 ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Ảnh Lã Anh
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp được đưa ra trong dự thảo nghị quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó cần chú trọng đột phá về thể chế, mỗi bộ trưởng phải là người đột phá về thể chế, bởi thể chế quyết định việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chú trọng đột phá về hạ tầng để thu hút đầu tư, nguồn nhân lực; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế ở từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp... cũng là giải pháp quan trọng được đặt ra. Thủ tướng đề nghị từng bộ ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước để tổ chức thực hiện.
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
PHAN THẢO
_________________________
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12-2015
(SGGP).- Chiều 29-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 12-2015. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016; Đề án đẩy mạnh việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng…
Về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích những mặt được, những mặt còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua. Theo đó khẳng định trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã hết sức nghiêm túc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thành những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể trong công tác; triển khai thực hiện nhiệm vụ vừa tổng thể, toàn diện nhưng vừa có trọng tâm, trọng điểm. Gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua quy chế làm việc, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chung.
Về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016, Chính phủ nhận định tình trạng văn bản quy định chi tiết còn nợ, chậm ban hành là tương đối lớn, dự báo đến ngày 1-1-2016, số văn bản nợ đọng sẽ tăng lên khoảng gần 60 văn bản. “Chính phủ là quản lý, nhưng trước hết là quản lý theo pháp luật. Muốn quản lý theo pháp luật thì chúng ta chính là người phải xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, đây là cái đầu tiên. Phấn đấu đến hết quý 1-2016 hoàn thành các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trong năm 2015 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
LÂM NGUYÊN