Giữ thế cân bằng

Chính phủ Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết các khó khăn trong việc giữ ổn định tài chính khi nền kinh tế giảm tốc và doanh nghiệp vỡ nợ hàng loạt với mức nợ cao chưa từng thấy.
Giữ thế cân bằng

 Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập, các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc xảy ra liên tiếp, nâng tổng trị giá vỡ nợ từ đầu năm lên 120,4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 17,1 tỷ USD. Lượng trái phiếu bị vỡ nợ nói trên là một lượng rất nhỏ so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4.400 tỷ USD ở Trung Quốc, nhưng vẫn làm gia tăng mối lo về ảnh hưởng tiêu cực lan rộng.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng giữ một thế cân bằng mong manh: cố gắng giảm bớt sự đảm bảo ngầm từ lâu bị xem là nguyên nhân khiến thị trường nợ của nước này bị bóp méo; mặt khác họ không muốn nền kinh tế vốn đã bị cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo tụt tăng trưởng chịu thêm sức ép.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc năm nay xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì chỉ tập trung ở một số ngành, từ các công ty phát triển bất động sản, tới các nhà sản xuất thép và doanh nghiệp phần mềm, từ công ty tư nhân tới doanh nghiệp nhà nước và bộ phận kinh doanh của các trường đại học. Những dấu hiệu đáng lo ngại cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường trái phiếu mà doanh nghiệp Trung Quốc phát hành ở nước ngoài.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát tín hiệu bơm thêm tiền cho hệ thống ngân hàng nhằm thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ Trung Quốc cũng “sẽ nghiên cứu thêm các biện pháp” như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các cách thức nhằm giảm chi phí tài chính và lãi suất để giảm thiểu khó khăn tài chính và chi phí cao. Trước đó, Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ các công ty tư nhân, cũng như thông báo sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với hơn 850 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thịt heo đông lạnh, phô mai, dược phẩm và các linh kiện sản xuất điện thoại thông minh, từ đầu năm tới nhằm thúc đẩy phát triển thương mại chất lượng cao.

Một luồng ý kiến trái chiều khác lại đưa ra nhận định tích cực hơn về các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng có xu hướng “buông” cho các doanh nghiệp quốc doanh gặp khó để họ tự tìm giải pháp dựa vào thị trường, thay vì bơm tiền cứu các công ty thoát khỏi bờ vực vỡ nợ. Chuyên gia kinh tế Nathen Sheets thuộc PGIM Fixed Income nhận xét: “Đây có lẽ là kết quả của một chiến dịch giảm rủi ro của Trung Quốc. Họ đang tìm cách gia tăng tính kỷ luật tài chính trong hệ thống”. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây “cảm thấy đủ thoải mái” để sẵn sàng buông tay trước sự sụp đổ của các doanh nghiệp. Cùng với ý này, bà Anne Zhang, trưởng bộ phận trái phiếu châu Á của JPMorgan Private Bank, nhận định: “Số vụ vỡ nợ tăng là một phần tự nhiên của chu kỳ thị trường tín dụng. Đây là một việc tốt đối với thị trường trong dài hạn, để phát triển một cơ chế định giá phù hợp, phản ánh đúng rủi ro”. Các nhà phân tích thuộc S&P Global Ratings cho rằng nếu các nhà hoạch định chính sách có thể cải thiện sự minh bạch xung quanh các vụ vỡ nợ, điều này sẽ không gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục