Tôi không phải người Hà Nội. Tôi là người miền Nam chính gốc. Nhưng tôi yêu thành phố ở miền kia tổ quốc. Có lẽ trước nhất vì bà và mẹ tôi yêu Hà Nội. Tình cảm đó cứ truyền dần cho con cháu, đến độ cứ nghe đâu đó vẳng tiếng Hà Nội, cả nhà lại dành những gì trìu mến nhất. Nghe giọng Hà Nội, thấy mến. Kể về Hà Nội, thấy yêu.
…Bà ngoại có những người bạn tri kỷ ở đó. Mấy mươi năm rồi, chiến tranh và cuộc mưu sinh khiến mỗi người mỗi phương, xa nhau thăm thẳm. Nên tình yêu của bà là sự tiếc nuối. Kể về những ngày cũ, đôi mắt bà lại giăng thêm màu sương khói và rồi rất nhanh bà lại chìm vào cảm xúc. Tĩnh lặng lắm. Những câu chuyện hay chững lại giữa những bản nhạc không lời. Chưa đến thủ đô lần nào nhưng bà lại hiểu khá nhiều, từ văn hóa đến nét đẹp và cả những góc khuất nơi này. Bà say sưa kể và đôi lúc mỉm cười.
Mẹ tôi nói rằng, Hà Nội cưu mang những người bà thương yêu. Và cưu mang cả những giấc mơ bà không thực hiện được. Chẳng bao giờ tôi hiểu rõ. Nhưng tôi bắt đầu nhớ về Hà Nội qua những lời kể đó. Nỗi nhớ đó không phải cho tôi, mà nhớ giùm cho người bà nặng nợ với quá khứ.
Mẹ tôi thích mùa thu Hà Nội. Như bao nhiêu người cũng đắm đuối với mùa thu, với cây cơm nguội, với bầy sâm cầm nhỏ, với hoa sữa. Mẹ “nồng nàn” xin khắp nơi để trồng được cây hoa sữa. Đành rằng rất đẹp và thơm, nhưng những con sâu bằng ngón tay út vẫn làm tôi rùng mình mỗi lần ngắm nghía chùm hoa sữa mới nở. Mẹ ngân nga cho tôi thuộc hầu hết những bài hát hay về Hà Nội. Tôi cũng thích những khung cảnh đó. Và dần dần, mặc định trong tôi một tình cảm tha thiết về miền đất “lạ lẫm”…
Tôi may mắn hơn bà và mẹ. Tôi được đi Hà Nội để tham dự chương trình Rung Chuông Vàng. Và tôi ấp ủ những dự định trong hai ngày ngắn ngủi đó, không phải là đi thi, mà tìm cảm giác giữa lòng Hà Nội. Mơ hồ quá.
Đặt chân xuống thủ đô, tôi được chào đón bằng cơn mưa thấm đẫm nhớ nhung. Bạc trời một màu với màn nước không ngừng.
Rồi nắng lên, nhẹ nhàng, ấm áp và ngọt ngào. Nắng Hà Nội như mật ong. Đưa đôi tay ra là có thể cảm nhận được nắng đang len qua và chảy xuống kẽ tay, màu vàng của nắng cũng khác, vàng mà không chói, sẫm mà không nóng nực. Nắng đó trải quanh phố phường, quanh lối đi, trên tán cây, trong đôi mắt người lạ.
Đứng giữa đường Thanh Niên (nhưng tôi vẫn thích gọi đường Cổ Ngư xưa), rợp bóng cây, người ta đi cũng chậm rãi, điềm đạm hơn. Tim tôi dừng một giây khi nhìn thấy Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn uy nghi giữa lòng Hồ Gươm. Tôi đang giữa lòng Hà Nội!
Và tôi bắt đầu đi dạo. Vô tình thôi, tôi rẽ vào một con hẻm. Con hẻm lát gạch tàu đã có màu rêu xanh, đôi chiếc lá vàng của một loài cây tôi không biết tên rơi xuống, rất khẽ khàng. Dù chỉ cách đó 10m là quán cà phê nhạc đang xập xình, vậy mà cơ hồ như ở đây cách biệt hoàn toàn. Chỉ bởi lá vàng rơi.
Góc hẻm, căn nhà nhỏ xíu với cầu thang lộ bên hông nhà khá lạ lẫm. Một cụ già nhỏ bé vịn cầu thang đi xuống, chậm chạp và cẩn trọng.
Gió ùa. Lá rơi xáo xạc. Nắng đổ. Hà Nội in trong tim tôi khung cảnh này.
Quá ngắn ngủi để tôi đi trên con đường phố cổ, để bồi hồi nghe nhạc Phú Quang, những bản tình ca day dứt.
Quá ngắn ngủi, để tôi hiểu Hà Nội. Hà Nội mãi xa vời!
Giao Linh (TPHCM)