Gom ve chai giúp người nghèo

Tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ bảy và chủ nhật, người dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận lại bắt gặp một hình ảnh khá quen thuộc. Đó là một nhóm bạn trẻ khoảng 5 - 6 người đẩy chiếc xe tự chế đi đến từng hộ gia đình để xin thu gom, nhặt nhạnh những đồ phế liệu như ve chai, nhôm nhựa, đồng nát... 

Hành trình nhân ái

Không vụ lợi, không vì mục đích riêng nào cả, tất cả đều hướng về người nghèo, đó là phương châm hoạt động của “Nhóm ve chai vì người nghèo” do anh Hoàng Đình Diệm (33 tuổi, ngụ tại khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi) sáng lập với mong muốn vừa giúp được người nghèo, vừa giúp các bạn trẻ ngày càng hướng đến chân - thiện - mỹ.

Vốn là một người có tấm lòng nhân ái, luôn thương yêu, giúp đỡ người nghèo và được nhiều người dân trên địa bàn thị xã La Gi tin yêu, nên khi anh Diệm sáng lập ra nhóm ve chai này đã có rất nhiều bạn trẻ trên địa bàn hưởng ứng tham gia. Họ đến cùng nhau với mong muốn chung tay góp sức cùng anh Diệm làm nhiều việc thiện, giúp ích cho đời.

Anh Hoàng Đình Diệm chia sẻ: “Mục đích hoạt động của nhóm là để có chút tiền giúp đỡ những phận đời bất hạnh trong cuộc sống, đồng thời góp phần chung tay bảo vệ môi trường, ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn”. Anh Diệm là một thợ điện lành nghề nên rất bận rộn với công việc của mình; các bạn trẻ trong nhóm cũng có những công việc riêng.

Thế nhưng, họ quyết định dùng tất cả quỹ thời gian rảnh rỗi của 2 ngày thứ bảy, chủ nhật để “đi xin” ve chai… Và cứ thế, các bạn rong ruổi trên khắp con đường, ngõ phố; đi khắp các gia đình với niềm vui và nét mặt luôn rạng rỡ. Vì các bạn biết rằng, nếu xin được càng nhiều phế liệu thì nhóm sẽ có cơ hội giúp đỡ được nhiều người nghèo hơn.

Gom ve chai giúp người nghèo ảnh 1 Công việc vào những ngày cuối tuần của “Nhóm ve chai vì người nghèo”
Với số ve chai, nhôm nhựa, giấy báo cũ… gom góp  được, các bạn trẻ đem đến vựa thu mua phế liệu để bán rồi dùng số tiền này làm được nhiều việc vô cùng ý nghĩa. Ngoài sự hỗ trợ về tiền mặt kịp thời cho các hoàn cảnh không may bị ốm đau, tai nạn bất ngờ, các bạn còn thường xuyên mua các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, nước tương, đường sữa... mang đến thăm và trao tận tay nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em tật nguyền, những cụ già neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trên địa bàn thị xã La Gi.

Mới hơn một năm hoạt động, “Nhóm ve chai vì người nghèo” đã thu được nguồn quỹ gần trăm triệu đồng và đã giúp được hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ ở địa phương. Địa chỉ nhóm đến thăm thường xuyên là các trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị, mái ấm của trẻ mồ côi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều trẻ em không may bị mắc bệnh phong, bệnh down... Các thành viên nhóm luôn tâm niệm, mang đến càng nhiều niềm vui, tiếng cười cho các em là điều hạnh phúc nhất của mỗi người.

Kết nối yêu thương

Cầm trên tay những cuốn sách, quyển tập, cây bút mới do các anh chị “Nhóm ve chai vì người nghèo” tặng, các trẻ nghèo, cơ nhỡ, em nào cũng hạnh phúc và xúc động. Chị Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi, ngụ tại xã Tân Hải, thị xã La Gi) không may bị liệt nhiều năm trời, trong khi đứa con trai còn quá nhỏ, là một trường hợp được nhóm giúp đỡ khá nhiều về vật chất lẫn tinh thần.

Chị Hoa tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của nhóm mà chị có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, ý chí vượt qua bệnh tật để cố gắng nuôi con ăn học tới nơi tới chốn”.

Như một thói quen, nhiều hộ gia đình không bán ve chai, nhôm nhựa cho các vựa ve chai như trước nữa, mà sắp xếp gọn gàng những món đồ phế liệu chờ cuối tuần nhóm tới thu gom.

Chị Trần Thị Hạnh (ngụ tại phường Phước Hội, thị xã La Gi) cho biết: “Những vật dụng trước kia gia đình không dùng đến nữa như vỏ lon, vỏ chai hay sách báo cũ thường mang đi bán hay vứt bỏ. Từ khi biết được hoạt động ý nghĩa của “Nhóm ve chai vì người nghèo” thì gia đình chị thường để dành chờ nhóm tới thu gom. Việc làm của các bạn ấy rất ý nghĩa, tạo sự lan tỏa, gắn kết tình yêu thương của nhiều cá nhân trong cộng đồng, xã hội”.

Đến nay, “Nhóm ve chai vì người nghèo” vẫn hoạt động đều đặn, vẫn lặng lẽ “làm đẹp cho đời” và sẵn sàng thu nạp thành viên mới, với mong muốn tình yêu thương giữa người với người trong cuộc sống ngày càng được kết nối và lan tỏa nhiều hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục