Góp ý các dự án sửa đổi, bổ sung luật

Diễn đàn “Góp ý sửa đổi, hoàn thiện các dự án luật” tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc về các nội dung nghị sự kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra; phân tích, góp ý cho các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng.
Các băng nhóm đòi nợ thuê thường tới nhà người thiếu nợ đe dọa, quậy phá, tạt sơn, mắm tôm vào cửa. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Các băng nhóm đòi nợ thuê thường tới nhà người thiếu nợ đe dọa, quậy phá, tạt sơn, mắm tôm vào cửa. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Chế tài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật

Qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đã phát hiện nhiều nội dung trái pháp luật của văn bản để đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật. Con số hàng trăm VBQPPL ban hành trái pháp luật, không phù hợp mỗi năm không chỉ cảnh báo năng lực, trách nhiệm của đối tượng ban hành văn bản mà hậu quả của nó để lại cho xã hội rất lớn. Việc ban hành VBQPPL trái pháp luật là do đơn vị tham mưu, người ký văn bản hạn chế về năng lực, thiếu kiểm tra, nhưng cũng không loại trừ do lợi ích nhóm, mưu đồ cá nhân trong việc ban hành văn bản. 

Nhằm ngăn chặn tình trạng ban hành VBQPPL trái pháp luật, kiến nghị Quốc hội đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành VBQPPL các biện pháp chế tài, xử phạt nặng đối với những người ký ban hành văn bản trái pháp luật. Hình thức xử lý không dừng lại ở xử phạt hành chính, mà phải xử lý hình sự nếu văn bản ban hành gây thiệt hại nặng về vật chất, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước và tác động, ảnh hưởng đến tinh thần, tình cảm của người dân, cộng đồng xã hội. 

                                              NGUYỄN HIỀN, quận Bình Thạnh, TPHCM

Không thể tồn tại một dịch vụ quá nhiều tai tiếng

Dịch vụ đòi nợ thuê ra đời nhằm phục vụ nhu cầu thu hồi nợ hợp pháp. Trước đây, khi mới ra đời, loại hình dịch vụ này đã có những công ty đòi nợ thuê làm việc bài bản, truy tìm tông tích, xác minh tài sản người thiếu nợ để vận động, thuyết phục họ trả nợ. Cam kết trả như thế nào, trả trong bao lâu, họ đều có lập biên bản và được cơ quan chức năng hay luật sư chứng kiến. Nhưng đến nay, dịch vụ đòi nợ thuê đã bị lợi dụng làm vỏ bọc cho các băng nhóm xã hội đen công khai tập hợp, hoạt động, dùng các thủ đoạn bạo hành tinh thần và cả hành vi uy hiếp, đe dọa, làm nhục nhằm đòi cho được nợ. Trước đây, tại diễn đàn Quốc hội đã từng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc tồn tại dịch vụ này. UBND TPHCM cũng đã chính thức kiến nghị đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. 

Việc nhân viên công ty đòi nợ thuê phá hoại tài sản, xâm phạm quyền riêng tư, bất chấp dư luận xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cho thấy không còn lý do để biện hộ, dung túng loại hình dịch vụ này. Do vậy, rất mong khi bàn luận, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Quốc hội đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

                                                           HOÀNG PHƯƠNG, quận 3, TPHCM

Luật hóa giấy phép xây dựng tạm

Thực tế cho thấy, hành vi vi phạm xây dựng ở các quận nội thành chủ yếu là xây dựng sai phép; còn ở các quận huyện vùng ven là xây dựng không phép. Nguyên nhân không phải người dân vùng ven thiếu ý thức chấp hành luật mà do đặc thù, quá trình sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng hầu hết có nguồn gốc do ông bà để lại, quyền sử dụng thuộc về hộ gia đình. Khi tiến hành đô thị hóa, đất nông nghiệp được quy hoạch thành đất đô thị, nhưng việc thực hiện quy hoạch theo kế hoạch sử dụng đất thường kéo dài nhiều năm. Trong khi chờ thực hiện quy hoạch, người dân có nhu cầu về nhà ở, muốn xin giấy phép xây dựng cũng khó vì đất chưa được chuyển mục đích sang đất ở; còn muốn chuyển mục đích cũng không được, vì đất không phù hợp quy hoạch. Hậu quả là người dân bỏ hoang hóa, lãng phí đất đai, hoặc xây dựng công trình, nhà ở không có giấy phép xây dựng.

Theo Điều 94 Luật Xây dựng 2014 (quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn), ngoài điều kiện về quy mô, thời gian tồn tại công trình, chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ công trình…, còn có điều kiện phải là đất ở. Quy định này chỉ giải quyết một phần nhỏ trong thực tế, còn phần lớn đất nông nghiệp vốn là ruộng vườn không được cấp phép. Vì thế, để ngăn chặn dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, cần phải luật hóa giấy phép xây dựng tạm. Theo đó, cùng với những quy định như giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng tạm áp dụng không chỉ đối với đất ở, mà cả đất nông nghiệp, thời gian tồn tại công trình không hạn định, kéo dài đến ngày thu hồi đất thực hiện quy hoạch.

Giấy phép xây dựng tạm thay thế giấy phép xây dựng có thời hạn là giải pháp giúp giảm khó khăn cho người dân trong các khu quy hoạch. Khi có giấy phép xây dựng tạm, sẽ chấm dứt được việc xây dựng không phép và xóa được tình trạng bỏ hoang đất đai tràn lan như hiện nay.     

                                                          NGUYỄN AN NHIÊN, quận 3, TPHCM

Tin cùng chuyên mục