Grab Việt Nam khẳng định “luôn tuân thủ pháp luật hiện hành”

Sau khi Báo SGGP đăng bài viết: Cần “áo mới” cho loại hình vận tải ứng dụng công nghệ hỗ trợ, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông của Grab Việt Nam, đã trao đổi bằng văn bản với phóng viên Báo SGGP về những vấn đề đặt ra trong bài viết.
Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin giới thiệu nội dung trao đổi với đại diện của Grab Việt Nam. 

- PHÓNG VIÊN: Nhiều tài xế ứng dụng phần mềm kết nối của Grab cho rằng, họ là thành viên các HTX vận tải và là đối tác của Grab… Vậy Grab lấy quyền gì thu thuế họ? Chưa hết, nhiều tài xế còn phản ánh, việc nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức nào còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện như được giảm trừ gia cảnh… Tại sao Grab lại thu họ “đồng mức”? Khi tham gia vào các HTX vận tải, các tài xế của Grab đã đóng thuế khoán ở đó. Như vậy nếu phải nộp thuế thu nhập khi hợp tác với Grab, chẳng phải các tài xế đã phải đóng thuế 2 lần? 

>> Bà NGUYỄN THU AN: Theo hướng dẫn tại Công văn số 5093/TCT-TNCN ngày 3-11-2016 của Tổng cục Thuế, Công văn số 11428/CT-TTHT của Cục Thuế TPHCM ngày 23-11-2016, và Công văn số 384/TCTTNCN ngày 8-2-2016 của Tổng cục Thuế, Grab Việt Nam thực hiện việc thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế của các đối tác cá nhân kinh doanh sử dụng ứng dụng Grab. Trong trường hợp đối tác tài xế tin rằng mình thuộc diện được giảm trừ và đủ điều kiện áp mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, Grab Việt Nam cung cấp bảng tổng hợp nghĩa vụ thuế cho đối tác hàng năm để đối tác tiến hành các thủ tục quyết toán thuế, hoàn thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Mặc dù Bộ GTVT dự kiến (trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi) xếp GrabCar là loại hình kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng nhưng nhiều hãng taxi vẫn cho rằng GrabCar đích thực là taxi nên phải hoạt động theo những điều kiện của taxi. Grab Việt Nam nghĩ sao về điều này? 

Luật Giao thông Đường bộ hiện hành đã chia ra 5 loại hình vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó bao gồm “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách, cước tính theo đồng hồ tính tiền” và “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải”. Theo đó, xe taxi có sơn biểu trưng logo, màu taxi và đồng hồ tính tiền để hành khách có thể nhận biết và bắt xe trên đường; trong khi đó, xe hợp đồng cần phải có hợp đồng vận tải được giao kết trước khi hành khách bước lên xe, không được đón khách vẫy trên đường. Về điều kiện và quy định kinh doanh vận tải, xe taxi và xe hợp đồng phải tuân thủ hầu hết các điều kiện tương đương nhau như: phải có giấy phép và phù hiệu kinh doanh, các quy định về lái xe, đăng kiểm, niên hạn xe… Việc ứng dụng kết nối đối với xe hợp đồng không làm thay đổi bản chất của loại hình này. Trong hoạt động hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải theo hợp đồng theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ GrabCar của Grab Việt Nam đã giúp các đối tác vận tải hạ thấp giá thành vận tải (thông qua giảm chi phí điều hành và kết nối dịch vụ vận tải), nâng cao hiệu suất sử dụng xe, giảm ô nhiễm môi trường (hiệu suất sử dụng xe đạt 70% - 90%, tùy từng thời điểm, giảm tỷ lệ chạy rỗng xuống còn 10% - 30%), tiết kiệm chi phí, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng (dưới 5 phút), đồng thời hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chính phủ trong quản lý, quy hoạch giao thông cũng như quản lý thuế (thông qua việc lưu trữ và cung cấp số liệu đầy đủ, chi tiết). Qua các vấn đề được Chính phủ cân nhắc tại dự thảo nghị định lần này, chúng tôi tin tưởng rằng mọi quy định của cơ quan quản lý nhà nước đều có sự cân nhắc để đáp ứng tốt nhất lợi ích và nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, xuất phát từ trách nhiệm của doanh nghiệp, ngoài việc chủ động, sẵn sàng tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, Grab Việt Nam đã và sẽ không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới để cung cấp nền tảng kết nối vận tải đảm bảo an toàn, thuận tiện, tiết kiệm nhất cho người sử dụng. 

- Dự kiến hôm nay (ngày 6-2-2018), TAND TPHCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Việc này, được đánh giá có nguyên nhân từ dư luận cho rằng, thời gian qua, Grab tổ chức khuyến mãi, giảm giá khủng… vi phạm pháp luật Việt Nam về cạnh tranh. Grab Việt Nam giải thích như thế nào về thông tin này? 

Grab Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có cả pháp luật cạnh tranh.
Theo Nghị định 86/2014, đơn vị kinh doanh vận tải phải có đủ các điều kiện sau: Đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của pháp luật; Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh.

Theo nhiều chuyên gia về vận tải, điều này có nghĩa, chỉ có pháp nhân mới được kinh doanh vận tải và pháp nhân này có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước (?).

Tin cùng chuyên mục