Ba ơi, trong lần sinh nhật thứ 20 của mình, con đã ước được gặp ba. Cho đến bây giờ, con vẫn chưa được nhìn thấy mặt ba, được gọi một tiếng “Ba”. Từ lúc sinh ra, con đã nghe những đứa trẻ khác gọi mình là “thằng không cha”. Má chưa bao giờ kể cho con nghe chuyện gì về ba. Ba còn sống hay đã chết, còn trẻ hay đã già?… Con từng lao vào đánh những đứa gọi con là “trẻ mồ côi” và kết quả là con bị ăn mấy cái tát. Những lúc như thế con lại ao ước được nép dưới cánh tay của ba, được ba che chở. Mỗi lần đến trường, nhìn thấy những đứa trẻ khác có ba đưa đón, được ba chăm sóc, nuông chiều, con lại thèm có ba.
Hồi con học lớp năm, cô giáo giao một bài tập về nhà: “Em hãy miêu tả ba của mình?”. Con đã rất lúng túng. Con về nhà hỏi má. Lần đầu tiên con thấy má nổi giận như vậy, má hét: “Nhắc đến ba mày làm gì!”. Bài tập đó, con nộp giấy trắng, vì con thật sự không thể tưởng tượng hình ảnh của ba. Hôm đó, con đã khóc rất nhiều. Con không khóc vì bị điểm kém, con khóc vì nỗi thiệt thòi…
Có lúc má nói với con: “Sống thật tốt là cách tốt nhất để trả thù ba mày”. Câu nói của má cứ ám ảnh con. Nhưng con tự hỏi: “Làm sao có thể sống thật tốt khi không có ba? Sao gọi là một gia đình khi không có ba?”...
Có thể một ngày nào đó, ba sẽ quay về tìm mẹ con con, nhưng ba ơi, muộn rồi. Má sẽ đi bước nữa. Má sắp lấy một người đàn ông góa vợ trong xóm. Con đã suy nghĩ rất nhiều, con đủ lớn để hiểu những gì má đã chịu đựng. Con cũng đủ lớn để không cần sự che chở của ba nhưng em con, nó còn nhỏ và rất cần sự che chở của một người mà nó gọi “Ba”. Nó không thể sống như con, để những đứa trẻ khác gọi mình bằng “thằng không cha”.
Một gia đình hạnh phúc từ những mảnh vỡ ghép lại, còn hơn một gia đình thiếu vai trò trụ cột của người cha. Con đã nói với má: “Con ủng hộ má”. Sắp tới, con sẽ gọi một người xa lạ bằng “Ba”. Nhưng con thấy hạnh phúc, gọi một tiếng “Ba” mà con chưa bao giờ được gọi.
Nhưng ba vẫn mãi là ba của con.
THANH THANH (Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM)