Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đến việc giảm mục tiêu tăng trưởng của nước này ở mức 7,5% trong năm 2012, thấp hơn mức 8% của năm 2011. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sau khi duy trì mức 8% trong 7 năm liên tiếp. Bằng cách cắt giảm mục tiêu tăng trưởng đã được duy trì trong giai đoạn 2005-2011, Trung Quốc đã phát tín hiệu về một sự thay đổi trọng tâm của sự tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư sang hướng tiêu dùng.
Theo kế hoạch trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ chú trọng tăng sức cạnh tranh quốc tế bằng cách phát triển ngành dịch vụ, chuyển từ công nghiệp gia công sang nghiên cứu chế tạo, khuyến khích nâng đỡ phát triển những ngành mới mang tính chiến lược, thu hút kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài.
Mục tiêu mới của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy, nước này đang hướng đến một nền kinh tế có tăng trưởng bền vững, theo hướng hiệu quả hơn thay vì chạy đua tăng trưởng như những năm về trước. Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn để hạn chế sự phụ thuộc vào xuất khẩu, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động kinh doanh với Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Mỹ đã bị thu hẹp trong năm 2010 do cơn bão nợ công hoành hành tại khu vực này. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu để chỉ số lạm phát chỉ dao động mức tương đối thấp 4%.
Bấy lâu nay, để “hy sinh” cho tăng trưởng cao, Trung Quốc đã tăng đầu tư, tăng chi ngân sách, hạ lãi suất cho vay, đẩy mạnh xuất khẩu. Hậu quả là lạm phát tăng cao, khoảng cách giàu nghèo liên tục nới rộng, nền kinh tế tăng trưởng quá nóng khiến nhiều ý kiến lo ngại về tính bền vững. Nhận thấy những rủi ro của nền kinh tế trong tương lai, Chính phủ Trung Quốc lại một lần nữa phải giải bài toán “hy sinh mục tiêu tăng trưởng cho mục tiêu kiềm chế lạm phát”.
Ngoài việc hạ mức tăng trưởng, Trung Quốc cũng tiếp tục hướng đến mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế khi tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ một cách cơ bản trong năm nay ở mức thích hợp và cân bằng. Bên cạnh đó là điều tiết thị trường bất động sản để hạ các mức giá tài sản xuống mức thích hợp. Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu tạo hơn 9 triệu việc làm mới tại các thị trấn và thành phố để tiếp tục hướng tới một xã hội cân bằng hơn và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Nhìn lại trong năm 2011, các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đều tăng trưởng chậm hơn so với năm trước đó. Các nhà phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc “hạ cánh mềm” từ năm ngoái, sau thời gian nước này đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Nhưng cuộc hạ cánh này liệu có an toàn? Câu trả lời chỉ có lời giải đáp vào thời gian tới, khi những chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc chính thức được ban hành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động như hiện nay thì việc Trung Quốc đưa ra một chính sách linh hoạt để tạo nền móng vững chắc cho nền kinh tế trong nước lúc này lại là một biện pháp cần thiết để tránh những rủi ro từ những tác động bên ngoài.
Thanh Hằng