Hạ giá sữa, tại sao không?

Hội thảo góp phần... đẩy giá sữa
Hạ giá sữa, tại sao không?

Trước tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng giảm giá hàng hóa nhằm chia sẻ gánh nặng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa đến nay vẫn “bình chân như vại”, dù so với cùng kỳ năm 2008, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu hiện nay đã giảm hơn 50%.  

Hội thảo góp phần... đẩy giá sữa

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP chiều 1-6, tại hầu hết các chợ TPHCM giá các loại sữa bột nội và ngoại nhập đều cao hơn so với cùng kỳ. Điều đáng nói là mặc dù cùng một loại, cùng một nhóm tuổi, nhưng giá nhiều loại sữa ngoại vẫn cao hơn sữa nội gấp 3, 4 lần.

Cụ thể, tại siêu thị CitiMart (quận 4), dòng sữa bột Ensure Gold loại 1kg của Hãng Abbott giá lên đến 410.900 đồng/hộp, cao gần gấp 4 lần so với dòng sữa Dielac Anpha của Vinamilk hoặc Nuti IQ của Nutifood. Tương tự, giá các sản phẩm sữa bột nhập khẩu của nhãn hàng Dumex, Mead Johnson… cũng rất cao: Dulax 800 gram giá đến 312.400 đồng/hộp; Dugro Gold 2 loại 400 gram giá 168.000 đồng/hộp.

Khách hàng đang chọn mua sữa tại Siêu thị SuperBow, quận Tân Bình. Ảnh: LÃ ANH

Khách hàng đang chọn mua sữa tại Siêu thị SuperBow, quận Tân Bình. Ảnh: LÃ ANH

Ông Nguyễn Văn Trường, ngụ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, có đi sang các nước thì mới thấy giá sữa nhập khẩu ở Việt Nam rất bất hợp lý. Cụ thể tại Malaysia, tôi có thể mua một hộp sữa dành cho người bệnh tiểu đường của hãng Abbott chỉ với giá 110.000 đồng, nhưng tại thị trường TPHCM tôi phải bỏ ra đến 200.000 đồng mới mua được.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Sữa Hancofood cũng cho rằng giá sữa nhập tại Việt Nam hiện đang cao ngất ngưởng so với Malaysia và các nước Đông Nam Á khác. Theo ông Châu, người tiêu dùng Việt Nam đang trả tiền để dùng sữa với một giá bất hợp lý.

Bật mí với chúng tôi về nguyên nhân giá sữa ngoại quá cao, giám đốc marketing của các nhãn sữa nhập khẩu cho rằng do chi phí PR và marketing của họ rất lớn. Đầu tiên để có kênh phân phối hàng hóa mạnh, những công ty nhập khẩu và phân phối đã tìm kênh bán hàng bằng các con đường: Thông qua đội ngũ trình dược viên và các y bác sĩ, các cơ quan y tế Trung ương, họ đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học về chuyên đề dinh dưỡng. Bởi vì hiện nay người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua thuốc thì theo toa còn mua sữa thì theo lời khuyên của bác sĩ. 

Trong tháng 3 vừa qua, một nhãn hiệu sữa nhập khẩu có thị phần khá cao đã chi hơn 2 tỷ đồng để tổ chức liên tục 4 hội thảo về sức khỏe. Rõ ràng nhãn hiệu sữa nào càng làm hội thảo, hội nghị quảng cáo thì giá sản phẩm càng cao.

Kích cầu sữa nội

Giảm giá sữa, nói “không” với các sản phẩm sữa tăng giá vô lý, kích cầu tiêu thụ sữa, góp phần giảm thiểu số trẻ em suy dinh dưỡng trong giai đoạn khó khăn hiện nay là cách làm đúng và cần nên triển khai rộng từ các hệ thống phân phối cho đến người tiêu dùng.

Chính vì thế, sau khi Sài Gòn Co.op đề nghị, nhiều doanh nghiệp cam kết giữ giá ổn định đến cuối năm nay. Ngay sau đó, đại diện hệ thống siêu thị BigC, bà Dương Quỳnh Tranh, Giám đốc đối ngoại và quan hệ công chúng của hệ thống này cũng chính thức thông báo sẽ cố gắng làm việc với các nhà cung cấp để giữ giá sữa không tăng cho đến hết năm. Đồng thời phản đối các nhà cung cấp có ý định báo giá tăng nhưng không đưa ra được lý do chính đáng.

Thông qua công văn gởi đến các hệ thống phân phối và các cơ quan chức năng, bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood cũng công bố không tăng giá các sản phẩm sữa bột và sữa tươi mang thương hiệu Nutifood cho đến hết năm 2009.

Mặc dù Nutifood là một trong những doanh nghiệp sữa trong nước hiện nay phải nhập gần như 100% nguyên liệu sữa từ New Zealand, tuy nhiên trên thị trường, giá các sản phẩm của Nutifood hầu hết chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá sữa ngoại nhập. 

Để kích cầu hàng trong nước, đồng thời kéo giảm giá thành, các hệ thống phân phối nên tiếp tục kêu gọi các nhà cung cấp giữ giá và đưa ra nhiều chính sách trợ giá cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhãn hiệu sữa như Abbott, Mead Johnson, Dumex, Vinamilk, Nutifood, Hancofood, Dutch Lady… cần cắt giảm những chi phí sản xuất và marketing chưa hợp lý, giúp người tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội dùng sữa hơn.

Ngành y tế cũng nên đưa ra khuyến cáo chỉ dẫn cho người tiêu dùng cách chọn sữa sao cho vừa tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất, tránh chạy theo thương hiệu. Có thể hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng một số sản phẩm sữa nội địa đạt chất lượng. Như thế, vừa kích cầu hàng nội vừa giúp người tiêu dùng giảm bớt được gánh nặng chi tiêu, mà còn chặn đứng việc các hãng sữa ngoại cứ liên tục làm eo để nâng giá.

Mai Thi

Tin cùng chuyên mục