

Nguyễn Gia Thiều
Ngày thứ hai xét xử vụ án buôn lậu, trốn thuế... tại Công ty Đông Nam, HĐXX tập trung xét hỏi nhóm các bị cáo phạm tội trốn thuế. Trả lời trước HĐXX, Nguyễn Gia Thiều thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới giả mạo 171 chữ ký của vợ mình là Hà Kiều Anh và quanh co chối tội trốn thuế. Còn Hà Kiều Anh thì nói: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm giám đốc cho có thôi”.
Trong phần thẩm vấn sáng qua, chủ tọa phiên tòa đã tập trung làm rõ cái gọi là “tránh thuế” theo kiểu nói của Nguyễn Gia Thiều.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 1999 đến 2004, Nguyễn Gia Thiều đã ký 244 hợp đồng nhập khẩu trên 218.295 chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) trị giá trên 20 triệu USD của Công ty Đông Nam Hong Kong. Sau khi biết bảng giá tính thuế tối thiểu của Hải quan thấp hơn giá thực tế, Thiều đã thỏa thuận với Đông Nam Hong Kong hạ thấp giá mua so với thực tế để “tránh” thuế nhập khẩu gần 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong việc nhập khẩu linh phụ kiện điện thoại, mua điện thoại trong nước để kinh doanh và mở dịch vụ sửa chữa, Thiều đã chỉ đạo kế toán của Đông Nam và các công ty con ghi hóa đơn với số lượng hàng, giá trị thanh toán thấp hơn nhiều so với thực tế để trốn thuế. Con số thực tế là gần 950 triệu đồng nhưng Thiều chỉ báo cáo thuế với cơ quan thuế trên 353 triệu đồng. Tổng cộng, Thiều đã chỉ đạo làm giả 171 chữ ký của Hà Kiều Anh trong các chứng từ trên rồi lấy con dấu thật đóng lên nhằm trốn thuế.
Giải thích về hành vi này, Thiều cho rằng bị cáo chỉ tránh thuế nhằm giảm chi phí để có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên khi tòa hỏi, vậy có lợi cho ai, và có lợi cho Đông Nam không? Thiều trả lời có hại cho nhà nước và có lợi cho Đông Nam. Trước những lập luận của chủ tọa, Nguyễn Gia Thiều đã thừa nhận hành vi trốn thuế của Công ty Đông Nam và những công ty con.

Hà Kiều Anh
Khi được gọi lên thẩm vấn, với tư cách làm giám đốc Công ty Tam Nguyên, Hà Kiều Anh cho biết mình không giữ con dấu và cũng không biết việc bị giả mạo chữ ký. Bị hỏi về vai trò là giám đốc pháp nhân của Tam Nguyên, Hà Kiều Anh nhỏ nhẹ: “Do tôi không hiểu biết về pháp luật nên chỉ nghĩ là làm giám đốc cho có thôi. Tôi cũng không biết quy định các công ty hoạt động phải báo cáo thuế”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Vậy hậu quả thì ai phải chịu trách nhiệm?”. Hà Kiều Anh ngập ngừng... và không đáp.
Ngoài ra, Nguyễn Gia Thiều còn bị cáo buộc đã cho Bùi Thiên Kim (Tổng Giám đốc Công ty Đông Nam Hong Kong và Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cơ, đồng thời cũng là chị dâu Thiều) mượn pháp nhân Công ty TDC để nhập đồng hồ, trốn thuế gần 1,5 tỷ đồng. Nguyễn Gia Thiều thừa nhận sai phạm.
Tuy nhiên, Thiều “nại” rằng chỉ “chịu trách nhiệm đối với số lượng hàng trong hóa đơn Đông Nam xuất, tức là khoảng trên 19.000 chiếc còn phần thực tế hàng nhập vào khoảng 40.000 chiếc thì tôi không quản lý được. Bắt tôi phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản này là không hợp lý”.
Chiều cùng ngày, tòa đã tập trung thẩm vấn các hành vi buôn lậu, giúp sức, tiếp tay cho Phạm Anh Vũ buôn lậu (Giám đốc Công ty TNHH Thiên Anh, một chiếc “vòi” của Công ty Đông Nam) của các bị cáo Đào Lê Anh, cán bộ Trung tâm Kiểm soát và khai thác sân bay Nội Bài (thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), Vũ Hữu Thiều (anh họ của Đào Lê Anh); Đăng Mạnh Quyền (cán bộ hải quan làm thủ tục kiểm hóa)… Các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà cho rằng là do bạn bè giúp nhau.
Sau khi nghe chủ tọa công bố lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, đồng thời phân tích về các hành vi phạm tội, những khoản thu bất chính từ những hành vi trên, các bị cáo đều im lặng…
Hôm nay tòa tiếp tục thẩm vấn về hành vi buôn lậu của các bị cáo
Chiến Dũng
Tin, bài liên quan: Nguyễn Gia Thiều thừa nhận hành vi trốn thuế