Hà Nội: Bảo vệ và phát triển các loài cây trồng vật nuôi đặc sản

Sáng 11-7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”.

(SGGPO).- Sáng 11-7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội xác định: đến năm 2020 củng cố và phát triển các khu bảo tồn hiện có (Vườn Quốc gia Ba Vì, khu K9); thành lập 3 khu bảo tồn mới và chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan; bảo vệ và phát triển có hiệu quả các diện tích rừng tự nhiên (tổng cộng gần 6.800 ha); trồng rừng và cây phân tán để đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5%...

Đặc biệt, thành phố xác định sẽ ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của thành phố Hà Nội, như: cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, gà Mía, cá rô Đầm Sét...; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đô thị đặc thù thành phố Hà Nội. Tăng tỷ lệ cây xanh lên 10-12m²/người; ưu tiên trồng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống...

Đến năm 2030, sẽ thành lập mới 4 khu bảo tồn; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,7%; 100% các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố được đưa vào danh mục kiếm soát và được cập nhập định kỳ theo ba nhóm danh mục: danh mục trắng (được phép nuôi, trồng), xám (được phép nuôi, trồng có điều kiện), đen (cấm nuôi, trồng) và có các biện pháp quản lý phù hợp; củng cố và phát triển các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng...

 USAID ưu tiên hỗ trợ Việt Nam bảo vệ đa dạng sinh học

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố Chính sách về Đa dạng Sinh học, trong đó đề ra tầm nhìn về bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu vì sự phát triển lâu dài và bền vững. Với chính sách vừa được công bố này, USAID xác định Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong các chương trình hỗ trợ về đa dạng sinh học.

Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ tập trung hơn nữa vào việc lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình phát triển khác của USAID tại Việt Nam, ví dụ như tăng trưởng kinh tế và y tế".

Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực này, các hoạt động hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam tập trung vào việc ngăn chặn mua bán động vật hoang dã. Một trong những hoạt động có thể kể đến là Chương trình Ứng phó Khu vực với Nạn buôn lậu Động thực vật Hoang dã gặp nguy hiểm tại châu Á của USAID (ARREST).

Chương trình này có mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã và tăng cường hoạt động thực thi pháp luật, đẩy mạnh hợp tác trong khu vực và củng cố các mạng lưới chống buôn lậu.

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục