Hà Nội phải xây thêm nhiều trường học mới để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội đang thiếu 49 trường học tại 8 quận. Việc thiếu trường đã gây quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 vừa qua, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận là nơi đông dân nhất thành phố với khoảng 700.000 người, cả thường trú và tạm trú, trong đó có trên 100.000 học sinh. Mỗi năm, trung bình quận Hoàng Mai tăng thêm 4.000 học sinh.

Hiện nay, quận có 99 trường học, trong đó có 62 trường công lập, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Nếu tính theo quy mô dân số, hiện quận Hoàng Mai đang thiếu 43 trường học.

Để khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, quận Hoàng Mai đã lập kế hoạch tuyển sinh cụ thể, tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng mới các trường học và khuyến khích trường ngoài công lập. Cụ thể, quận công khai tuyển sinh từng trường, tuyển sinh đúng quy định, chỉ đạo không tuyển sinh trái tuyến, đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Hà Nội vẫn thiếu nhiều trường học cho học sinh

Hà Nội vẫn thiếu nhiều trường học cho học sinh

Thời gian qua, quận đã xây dựng thêm 23 trường học các cấp với trên 500 lớp học, tăng cường cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng lớp học. Đồng thời, khuyến khích phát triển trường ngoài công lập giúp giảm tải cho trường công lập.

Cùng với đó, quận Hoàng Mai rà soát đất đai, chủ động báo cáo thành phố phân cấp UBND quận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, rà soát ô đất trống có thể xây dựng trường học và báo cáo thành phố để có thể xây trường; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để xây dựng trường.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 2,3 triệu học sinh và tăng thêm từ 40-50.000 học sinh mỗi năm. Theo Sở GD-ĐT, tình trạng quá tải trường học công lập, đặc biệt là các quận nội thành, xảy ra do tốc độ đô thị hóa nhanh.

Tình trạng thiếu trường, lớp học tập trung tại các quận nội đô, vốn không còn quỹ đất để xây dựng mới hoặc mở rộng trường học, dẫn đến vượt quy định về số học sinh/lớp, số lớp/trường, không đạt chỉ tiêu diện tích đất/học sinh, trường học vượt quy mô đào tạo không đạt chuẩn quốc gia. Việc kiểm soát dân cư tăng cơ học vào Hà Nội, đặc biệt tại khu vực các quận nội thành chưa thật sự hiệu quả, luôn là áp lực làm mất cân đối giữa cung và cầu.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, triển khai dự án trường học và các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị khác còn chậm, chưa đồng bộ với các chức năng khác tại các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Từ Liêm...) hiện chưa đảm bảo điều kiện để đầu tư xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác theo chuẩn do bị hạn chế theo quy định của Luật Đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Cũng theo ông Trần Thế Cương, vấn đề nâng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực. Với chỉ tiêu đến 2025 có 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay Hà Nội đã được 72,7% trường đạt chuẩn. Hiện các quận huyện đã rà soát cho giai đoạn 2023-2025 và đăng ký về tính khả thi, quyết tâm bảo đảm nguồn lực để khả năng đạt chỉ tiêu này là 84%.

Một số trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn: một số trường học thuộc khu vực nội thành có sĩ số học sinh/lớp cao, vượt quy định; nhiều trường học thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập; trường thuộc khu vực ngoại thành thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học, phòng bộ môn, thiết bị và đồ dùng dạy học. Hàng năm, số lượng trường cần công nhận mới và công nhận lại rất lớn, trong khi việc tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần có các giải pháp để tháo gỡ.

Để đạt được mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2023-2025, Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường. Theo quy định, năm 2022 phải công nhận mới trên 194 trường chuẩn quốc gia nhưng mới công nhận được trên 145 trường do có nhiều quy định mới. Còn năm 2023, có 130 trường cần công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đến thời điểm này mới công nhận 16 trường, còn lại các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.

Về tiêu chí học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, tiêu chí này khó thực hiện trên địa bàn Hà Nội. Thực tế, chỗ học vẫn dư, nhưng lại thừa thiếu cục bộ; ở một số quận nội đô, học sinh rất đông, trong khi ở một số huyện, sĩ số học sinh không đủ trong 1 lớp.

Tin cùng chuyên mục